Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không thể kiểm tra toàn bộ chỉ tiêu chất lượng sữa
27 | 08 | 2009
Việc lấy mẫu xét nghiệm cũng chỉ thực hiện với một số tiêu chỉ cơ bản như: đạm, chất béo, đường, các chỉ tiêu về vi sinh..., chứ không thể kiểm tra được tất cả các chỉ tiêu trong sản phẩm sữa.

Thông tin được ông Hoàng Thủy Tiến, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra trong một buổi tọa đàm về chất lượng sữa tổ chức sáng 26/8 tại Hà Nội.

Cũng theo ông, sữa là một trong những mặt hàng có rất nhiều tiêu chí về chất lượng. Việc kiểm tra được tất cả các tiêu chí là rất khó, các nước khác không làm được và Việt Nam cũng vậy.

"Thực tế, hiện nay chúng ta không thể kiểm tra chất lượng tất cả 100% sản phẩm sữa, đặc biệt là sữa nhập ngoại. Vì mặt hàng này vô cùng phong phú, hàng trong nước, hàng nhập ngoại theo cả con đường chính ngạch và tiểu ngạch. Tuy nhiên, chúng ta đang làm rất tốt công tác hậu kiểm", ông Tiến cho biết.

Tiến sĩ Hồ Tất Thắng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, vấn đề mà nhiều người quan tâm hiện nay là liệu hàm lượng dinh dưỡng trong sữa như thế có phù hợp với sự phát triển của trẻ em Việt Nam, với từng độ tuổi không? Nhiều công ty nước ngoài quảng cáo cho chất này, chất kia vào để tăng chiều cao, cân nặng, trí thông minh..., nhưng có thật trong sữa có những chất này không?.. là những nghi vấn chưa có giải đáp, bởi chỉ tiêu chất lượng là do doanh nghiệp tự công bố, còn các cơ quan nhà nước chỉ lấy mẫu xét nghiệm khi có khiếu kiện.

Trong khi đó, người tiêu dùng muốn mang sản phẩm sữa đi xét nghiệm, nhưng lại không biết lấy mẫu như thế nào mới đúng quy định, bao nhiêu mẫu thì đủ. Việc xét nghiệm một tiêu chí rất tốn kém, càng xét nghiệm nhiều tiêu chí thì càng tốn kém. Người tiêu dùng không có khả năng tài chính để làm điều này.

Cũng theo ông, người tiêu dùng luôn yếu thế hơn các cơ sở kinh doanh, sản xuất sữa, về việc được cung cấp thông tin, giá cả. Thực tế, họ có quyền được cung cấp thông tin, nhưng những thông tin họ nhận được đang gây ngộ nhận, làm họ thích dùng hàng ngoại. Người tiêu dùng cũng có quyền lựa chọn sản phẩm, nhưng vì có tiếp thị, quảng cáo sữa trong trường học, bệnh viện mà vô hình chung họ không có quyền này. Vì một khi trẻ đã quen uống một loại sữa thì sẽ rất khó để thay đổi.

Sắp tới hội người tiêu dùng sẽ cùng với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức các đợt lấy mẫu xét nghiệm các loại sữa bột, sản xuất trong nước và nhập khẩu về các tiêu chí mà nhà sản xuất công bố.

Buổi tọa đàm do Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức.

(Theo VnExpress)



Báo cáo phân tích thị trường