Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Phù phép” trái cây Trung Quốc
26 | 01 | 2010
Nhiều loại trái cây được quảng cáo rất kêu như: cam Mỹ, táo Fuji Nhật Bản, quýt Thái Lan, ổi, dưa hoàng kim, dưa lưới của xứ miệt vườn VN...

Tuy nhiên khảo sát một vòng các chợ đầu mối mới thấy phần lớn đều nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tại các chợ đầu mối, trái cây Trung Quốc đang về ồ ạt với hình thức đẹp đến bất ngờ. Các nhà kinh doanh đã qua mặt người tiêu dùng bằng việc “lên đời” cho trái cây Trung Quốc bằng việc bóc nhãn hoặc dán nhãn.

Cam Mỹ, táo Nhật... trồng tại Trung Quốc!

Chợ đầu mối Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vào một ngày giữa tháng 12- 2010, trái cây nhập khẩu về chợ được tập kết thành khu dài gồm hàng chục xe container loại 40 feet và nhiều xe đông lạnh nhỏ hơn.

Chúng tôi đi theo anh Ngọc, người phụ trách buôn bán tại một sạp hàng nằm ngay phía ngoài chợ, ra xe container lấy hàng. Anh cho biết 100% hàng trong sạp của anh đều là ngoại nhập, trong đó có đến 80% là trái cây Trung Quốc.

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao có nhiều loại trái cây dán nhãn cam Mỹ, táo Fuji Nhật Bản, ổi Thái Lan, lê hương Hàn Quốc... trên từng trái nhưng bên ngoài vỏ hộp lớn được lấy từ xe container xuống lại là “made in China”, anh Ngọc giải thích: “cam Mỹ” thực chất là cam giống của Mỹ nhưng trồng tại Trung Quốc, táo Fuji Nhật Bản là giống táo Fuji của Nhật Bản trồng tại Trung Quốc, tương tự là ổi Thái Lan, hồng giòn...

Tại đây, khi hàng còn đóng nguyên bao nguyên kiện việc phân biệt hàng Trung Quốc với các loại khác không mấy khó khăn.

Tuy nhiên, khi hàng về sạp, anh Ngọc cùng một số người làm đã gỡ các dải băng keo có ghi xuất xứ hàng từ Trung Quốc trên vỏ hộp và bọc trái cây. Sau đó, khi có khách mua sẽ dùng băng keo màu vàng, không có thông tin xuất xứ để đóng nắp hộp lại. Do trên thùng lúc này không có bất kỳ thông tin nào về xuất xứ hàng nên việc nhập nhằng xuất xứ càng dễ dàng hơn.

Phải ghi rõ xuất xứ

Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM vừa bắt giữ hơn nửa tấn táo đỏ nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng một số nông sản khác tại một điểm kinh doanh trên địa bàn Q.6.

Toàn bộ số táo đỏ và nông sản bị bắt giữ (khoảng 7,6 tấn) đều là hàng nhập lậu, hàng không dán nhãn ghi hạn sử dụng và hàng đã hết hạn sử dụng.

Theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, tất cả các loại trái cây nhập khẩu khi bày bán trên thị trường đều phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu ghi cam Mỹ, táo Fuji Nhật Bản... nhưng thực tế là hàng nhập từ Trung Quốc thì được xem là hành vi gian lận thương mại.

Nhiều sạp tại đây khi mở nắp hộp đã chuyển trái cây từ hộp có ghi xuất xứ Trung Quốc sang loại hộp không ghi xuất xứ. Số hàng được chuyển sang hộp mới thường chỉ khoảng 3-4 thùng mỗi loại, chủ yếu là táo, ổi, cam.

Sau đó, nhiều sạp hợp thức hóa việc “lên đời” cho trái cây Trung Quốc bằng thông tin trên các nhãn nhỏ dán trên từng trái: cam Mỹ, táo Nhật, lê Nhật, ổi Thái... khi bán cho khách.

Chị Hân, chủ một vựa trái cây ở Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết nho đỏ Trung Quốc có giá 30.000-35.000 đồng/kg cũng có thể “lên đời” thành nho đỏ của Mỹ có giá 85.000-100.000 đồng/kg, bằng cách nhập nho Trung Quốc về, tháo bao bì ra và thay bằng bao bì nho Mỹ.

Núp bóng trái cây Việt

Tại chợ Tam Bình, chợ Bình Điền (Q.8, TP.HCM), nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay đã được mang tên Việt. Vỏ hộp ghi cam L.C., cam N.P., ổi Tây Ninh...

Ở một sạp bán sỉ trái cây ở chợ Tam Bình, chúng tôi được xem loại ổi trái to, vỏ xanh mướt, nhẵn nhụi không tì vết, các trái đều nhau. Chủ sạp chỉ cho chúng tôi dòng chữ ghi trên vỏ hộp: Công ty nông sản T. và khẳng định đây là tên công ty VN trồng loại ổi này ở Tây Ninh.

Tuy nhiên, ngay ở sạp bên cạnh, chúng tôi được giới thiệu đó là ổi nhập khẩu từ Trung Quốc. Tên “Công ty nông sản T.” trên vỏ hộp đã có sẵn từ khi nhận hàng của nhà nhập khẩu.

Anh V.T.N., người làm công tại một sạp trái cây ở chợ Tam Bình, chỉ cho chúng tôi thấy toàn bộ loại ổi ghi tên Công ty nông sản T. có bán trong chợ đều nhập từ một xe container chuyên lấy hàng từ Trung Quốc về. Sạp anh N. cũng lấy hàng ở nguồn đó.

Tương tự, dưa hoàng kim và dưa lưới là mặt hàng vốn là thế mạnh của miền Tây Nam bộ. Hai loại dưa này bán lẻ ở chợ giá khoảng 25.000 -27.000 đồng/kg (loại ngon). Dưa có vị mát, ngọt. Trong khi đó, dưa cùng loại nhập từ Trung Quốc có giá chỉ 9.000-13.000 đồng/kg, vị nhạt hơn.

Chênh lệch quá lớn giữa hai mức giá là nguyên nhân khiến dưa Trung Quốc được đổi tên thành dưa VN.

Tại các chợ bán lẻ, nhiều loại dưa vàng, dưa lưới trái hơi dài, ăn khá nhạt được dán nhãn dưa VN như: dưa H., dưa K.T..., trên nhãn có tên gắn với địa danh VN và cũng được người bán hàng giới thiệu là dưa trồng ở Long An.

Tiếp tục quay lại chợ đầu mối, chúng tôi tìm đến một sạp hàng có bán sỉ các loại dưa nói trên.

Tại đây, khi được lấy ra từ thùng giấy, các trái dưa vẫn còn cuống và lá rất tươi khiến nhiều người nhầm tưởng là dưa mới hái từ miền Tây lên. Nhưng thực tế, phía dưới hộp giấy này có ghi “made in China”.

Hàng trăm tấn trái cây Trung Quốc về mỗi ngày

Theo ban quản lý các chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Bình Điền, Hóc Môn, trung bình mỗi ngày có khoảng 300-400 tấn trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc đổ về các chợ này, gồm táo, lê, hồng giòn, đào, lựu, ổi, cam, quýt, nho, mận...

Bà Thanh Hà, phó giám đốc chợ Tam Bình, cho biết mặc dù ban quản lý chợ chưa thống kê cụ thể nhưng quan sát từ các tiểu thương về chủng loại, số lượng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 50-60% trong tổng số trái cây nhập khẩu.

Trong khi đó, ban quản lý chợ Bình Điền cho biết hơn một tuần trở lại đây toàn bộ trái cây về chợ là hàng Trung Quốc.

Theo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2, trong năm 2009 có 15.315,691 tấn trái cây Trung Quốc nhập về cảng ở TP.HCM, chiếm khoảng 43% tổng lượng trái cây nhập ngoại về cảng.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường