Rừng tràm tự nhiên và rừng trồng ở Long An chủ yếu tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa , Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Đức Hòa và Đức Huệ. Diện tích rừng tràm ở Long An ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân. Trước đây, cây tràm được dùng chủ yếu dùng làm cừ xây dựng và chất đốt. Nay việc xây dựng cũng như đun nấu được thay thế bằng nguyên liệu khác nên cừ tràm và củi tràm không cạnh tranh được. Ước tính, một hecta tràm 5 - 6 năm tuổi hiện chỉ bán được 25 - 30 triệu đồng, trừ chi phí người dân chỉ còn lời hơn 10 triệu đồng. Trong khi nếu chuyển qua trồng lúa, mỗi năm 1ha ruộng có thể cho lợi nhuận 10 - 20 triệu đồng. Vì vậy, ở những vùng đất nhiễm phèn nặng, khó canh tác lúa, các hộ nông dân mới giữ lại tràm.
Tình trạng nắng nóng kéo dài, không có mưa cũng đã dẫn đến cháy rừng làm thiệt hại đáng kể diện tích tràm ở Long An. Được biết, từ đầu năm 2010 đến nay trên địa bàn Long An xảy ra hơn chục vụ cháy rừng trên diện tích gần 60 ha. Để nguồn tài nguyên động thực vật của hệ sinh thái rừng tràm trên đất trũng phèn ở Long An được bảo tồn và phát triển, tỉnh đã tăng cường xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy, chữa cháy từng ở cộng đồng dân cư xóm, ấp; quản lý chặt chẽ các hoạt động đốt đồng, vệ sinh đồng ruộng, làm ranh ngăn lửa, biện pháp chống cháy lan. Nghiêm cấm tất cả các hoạt động sử dụng lửa đốt ong lấy mật, tháo nước bắt cá … ở toàn bộ các khu rừng trong những tháng mùa khô; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, các hoạt động phòng cháy chữa cháy từng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh, vận động nhân dân nâng cao ý thức sử dụng lửa trong các hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn về phòng chống chữa cháy rừng. Ngoài ra, các ban ngành trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền các cấp sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương trong việc chữa cháy rừng. Cùng với đó, Long An đang nghiên cứu dự án sản xuất ván ép, bột giấy từ gỗ tràm. Theo đó, phải chờ đến lúc các dự án triển khai thành công thì cây tràm mới được tiêu thụ ổn định và giá được đảm bảo, như vậy người dân mới yên tâm trồng loại cây này.