Theo Trung tâm Thông tin Thủy sản Đức (GFIC), năm 2010, tiêu thụ cá bình quân theo đầu người của Đức đạt 15,7 kg, cao hơn mức 11 kg trong những năm 1980 và dự báo năm 2011 sẽ vượt 16 kg. Đây quả là con số có ý nghĩa đối với một nước chuộng thịt lợn và gia cầm, cho dù mức tăng này không đáng kể so với các thị trường tiêu thụ nhiều cá như Manđivơ (142 kg/người) và Grinlen (91 kg/người).
Tương tự tình hình tiêu thụ, năm 2010, giá cá tại thị trường Châu Âu tăng 3,6% so với năm trước. Giám đốc GFIC Matthias Keller nhận định “Tăng giá là xu hướng chung do tầng lớp trung lưu tại các nước đang phát triển ngày càng ưa chuộng và sẵn sàng chi trả cho sản phẩm cá. Hơn nữa, nguồn cung cấp cá hiện không ổn định. Việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cá ngày càng khó khăn đã đẩy giá tăng cao.”
Theo ông Keller, sản xuất cá của Chilê năm ngoái gặp khó khăn khiến Na Uy – nước gần như độc quyền cung cấp cá hồi – có cơ hội nâng giá. Hiện nguồn cung tại Chilê đã phục hồi và giá cá đang giảm.
Trong khi các nước khác thúc đẩy hoạt động nuôi cá để bù vào những bất ổn về nguồn cung cấp cá khai thác, Đức vẫn tiếp tục duy trì các quy định khắt khe về môi trường vốn kìm hãm sự phát triển của các trại nuôi cá.
Người tiêu dùng Đức ăn nhiều cá do họ ưa chuộng hương vị và cho rằng cá có lợi cho sức khỏe hơn thịt. Năm 2010, Đức tiêu thụ gần 1,3 triệu tấn, trong đó 88% là NK. Na Uy là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Đức, chiếm gần 15% lượng cá trên thị trường.
Hiện có hơn 660 loài cá được tiêu thụ tại Đức, trong đó 5 loài được ưa chuộng nhất là cá minh thái Alaska, cá trích, cá hồi, cá ngừ và cá pangasius.
Theo Tập đoàn Nghiên cứu thị trường GfK, người Đức thích cá đông lạnh hơn cá tươi và thường mua cá tại các cửa hàng giảm giá. Cá bán tại đây hầu như là sản phẩm loại hai.
Trong khi các nhà bán lẻ không hồ hởi lắm trước tình hình nhu cầu và giá cá tăng mạnh, một bộ phận người tiêu dùng bắt đầu lo ngại thủy sản sẽ trở thành mặt hàng có giá cao.
Giá cá toàn cầu tăng cũng do tình trạng lạm thác tại nhiều khu vực. Hiện có đến 32% số ngư trường trên thế giới bị lạm thác. Theo ông Keller, “có những ngư trường vẫn chưa thể kiểm soát được, nhưng tại các ngư trường đã được kiểm soát, trữ lượng cá đang phục hồi.”
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại về vấn đề hạn ngạch. Christopher Zimmerman, giáo sư Viện Johann Heinrich von Thunen kiêm Phó Giám đốc Viện Khai thác Biển Bantich cho rằng ngành khai thác cần nỗ lực hơn để bổ sung trữ lượng cá. Theo ông, các khuyến cáo của EU vẫn “chưa đủ liều lượng” và có thể chúng sẽ bị giảm tác dụng do các nước thành viên muốn thay đổi.
Để chống lạm thác, các nước cần tuân thủ cơ chế hạn ngạch, chống các đối tượng vi phạm hạn ngạch và áp dụng chính sách quản lý kiểm soát hiệu quả các ngư trường.
Đối với các ngư trường bị lạm thác, cần phải giảm hạn ngạch khai thác trong vài năm cho đến khi phục hồi trữ lượng, sau đó tiến hành quản lý các ngư trường này.
Tuy vậy, ông Zimmerman thừa nhận, giảm khai thác không phải là điều dễ chấp nhận đối với các công ty và toàn bộ ngành khai thác cần nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này nếu thực sự muốn đạt được kinh doanh bền vững.
Người tiêu dùng cũng phải chịu áp lực tăng giá do tăng nhu cầu tiêu thụ.
Theo Vasep