Theo bà Trần Thị Mỹ Hiền, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, hiện nay nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU… đã sử dụng thực phẩm từ cây trồng biến đổi gen (BĐG) với số lượng lớn để phục vụ chăn nuôi và tiêu dùng. Những nước này đều có hệ thống kiểm soát và có những quy định riêng trong việc dán nhãn sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật BĐG. Chẳng hạn tại EU, các thực phẩm có chứa tối thiểu 1% thành phần BĐG thì phải ghi nhãn. Tại Nhật Bản, từ năm 2001, đã có quy định yêu cầu dán nhãn đối với các sản phẩm thực phẩm BĐG khi hàm lượng DNA tái tổ hợp chiếm từ 5% trong tổng trọng lượng sản phẩm trở lên...
Tại Việt Nam, những năm gần đây, một số cây trồng BĐG đã được bán phổ biến trên thị trường. Thậm chí, các loại ngô giống đã được bà con mua về rồi trồng lẫn trong ruộng ngô thường ở một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… và cho kết quả tốt. Tuy nhiên, theo bà Hiền, hiện nay hầu hết các sản phẩm có sử dụng công nghệ BĐG đều không được dán nhãn hay ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Một số loại hạt giống và sản phẩm BĐG ở nước ngoài du nhập vào Việt Nam cũng chưa được quản lý, giám sát.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc kiểm soát chất lượng và độ an toàn của sinh vật BĐG là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải ghi nhãn trên từng sản phẩm thì rất khó thực hiện và có thể gây lãng phí.
Theo ông Bình, để kiểm soát chất lượng sinh vật BĐG, chỉ cần kiểm tra chặt chẽ, nghiêm ngặt các sản phẩm, công nghệ đầu vào. Khi đã chắc chắn giống mới sản xuất ra là an toàn, năng suất cao và có thể phổ biến thì sản phẩm bán ra thị trường nội địa không cần phải ghi nhãn nữa. Việc ghi nhãn chỉ nên thực hiện như một thủ tục truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Vì thực chất, việc dán nhãn cho các sản phẩm BĐG không có nghĩa là đảm bảo sản phẩm an toàn mà chỉ nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.
Ông Bình cũng cho hay, tại Việt Nam, Nhà nước đang khuyến khích phát triển cây trồng BĐG. Nguồn vốn để thực hiện các nội dung của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia khá lớn, cụ thể là trong giai đoạn 2006 - 2015, kinh phí trung bình khoảng 100 tỷ đồng/năm. Một số giống cây trồng như bông, ngô và đậu tương đã được tiến hành khảo nghiệm và trồng ở các địa phương. Dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó diện tích cây trồng BĐG chiếm 30 - 50%; trên 70% nhu cầu về giống cây sạch bệnh được cung cấp từ công nghệ vi nhân giống; trên 80% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Do đó, những quy định về quản lý sản phẩm BĐG cần phải thảo luận, thống nhất cụ thể để dễ cho công tác quản lý về sau.
Tổng hợp