Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thúc đẩy phát triển chăn nuôi: Tìm giải pháp từ lĩnh vực SX thức ăn
22 | 10 | 2011
Sau những biến động chưa từng có trên thị trường thực phẩm của nước ta thời gian qua, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, các nhà quản lý mới bày tỏ sự trăn trở trước những bất cập của ngành chăn nuôi, trong đó có lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN).
Làm khó ngành chăn nuôi?
Kể từ khi Chính phủ có Quyết định số 116/2009/QĐ-TTg ngày 29/9/2009 bổ sung TĂCN vào danh mục hàng hóa bình ổn giá và giao cho 10 doanh nghiệp sản xuất TĂCN làm nhiệm vụ này thì tính đến tháng 4/2011, giá TĂCN đã tăng 22 lần. Chỉ tính từ đầu năm 2011 tới tháng 5/2011, đã có không dưới 5 lần các công ty sản xuất TĂCN điều chỉnh giá bán với mức tăng bình quân 300 đồng/kg nhưng chủ doanh nghiệp vẫn kêu tăng thế là quá thấp so với chi phí bỏ ra.
Hiện, cả nước có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TĂCN, trong đó có 225 nhà máy chế biến TĂCN gia súc, gia cầm và 89 nhà máy chế biến TĂCN thủy sản. Điều đặc biệt là hầu hết các tập đoàn sản xuất TĂCN mạnh trên thế giới như CP Group (Thái Lan), Cargill (Hoa Kỳ), NewHope (Trung Quốc)…, đều đã có mặt ở Việt Nam và nắm giữ tới 65-70% thị phần. Điều này chứng tỏ sức thu hút và tiềm năng phát triển của ngành này ở nước ta. Thực tế, sản lượng TĂCN công nghiệp năm 2010 đạt 11 triệu tấn, tăng 11,11% so với năm 2009. Năm 2011, tuy sức tiêu thụ của mặt hàng này có giảm sút do sự khôi phục chậm của đàn gia súc, gia cầm trong 7 tháng đầu năm nhưng sản lượng TĂCN công nghiệp quy đổi vẫn ước đạt 11,5 triệu tấn, tăng 9,5% so với năm 2010.
Tại sao trong khi ngành chăn nuôi có lúc gặp khốn đốn, nông dân thi nhau bỏ trống chuồng thì ngành sản xuất TĂCN vẫn tăng trưởng? Một trong những lý do được đưa ra cho sự khốn khó của ngành chăn nuôi thời gian qua là giá TĂCN liên tục tăng, làm đội vốn đầu vào, thực tế là chi phí cho TĂCN chiếm tới 70% giá thành sản phẩm, làm người chăn nuôi, thậm chí cả những trang trại lớn khó trụ vững. Vậy ngành sản xuất, chế biến TĂCN đang làm khó nông dân, doanh nghiệp?
Về nguồn cung, nổi bật nhất là sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, có tới 60% nguyên liệu sản xuất TĂCN phải nhập khẩu, thậm chí lúa mì phải nhập tới 90-95%; vitamin, chất khoáng, chất tạo mùi... nhập 100%. Ngay cả loại nguyên liệu dễ trồng nhất là ngô thì Việt Nam cũng phải nhập tới 50%. Sự lệ thuộc này là nguyên nhân chính của những lần tăng giá TĂCN trong nước.
Một nghịch lý là, nước ta tuy có nhiều thế mạnh để phát triển các vùng chuyên canh ngô, khoai, sắn, đậu tương,… (những nguyên liệu chính để chế biến TĂCN) thì lại được bán với giá rẻ để tiêu dùng trong nước, còn doanh nghiệp vẫn phải nhập từ nước ngoài do chất lượng nông sản nội chưa đảm bảo yêu cầu chế biến (quá trình thu hoạch và bảo quản của nông dân chưa tốt).
Điều đáng lo ngại là, tình trạng TĂCN kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện tượng "rút ruột" sản phẩm, chất lượng không đúng như tiêu chuẩn công bố vẫn phổ biến; sử dụng chất cấm trong TĂCN vẫn xảy ra. Việc kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm chưa được tiến hành thường xuyên, mức xử phạt hành chính cao nhất chỉ là 40 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe nên người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng bị thiệt thòi, thậm chí còn làm người chăn nuôi lỗ lớn. Từ đó kéo sụt tốc độ tăng đàn và điều này tác động vào thị trường tiêu thụ của ngành sản xuất TĂCN.
Về nguồn cầu, dựa vào sự phát triển của chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trong nước mà ngành sản xuất TĂCN dự báo về mức cung - cầu sản phẩm, từ đó lập kế hoạch phát triển, sản xuất. Song cơ sở chính này lại ít bền vững, khó dự đoán do ngành chăn nuôi còn manh mún, tự phát, công tác kiểm soát dịch bệnh chưa cao...
Như vậy, ngành sản xuất, kinh doanh TĂCN chỉ phát triển ổn định nếu ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Chính sự phát triển chưa ổn định của chăn nuôi, sự yếu kém của nguồn nguyên liệu trong nước đã làm ngành TĂCN bị động. Vấn đề gốc là ổn định phát triển chăn nuôi và vùng nguyên liệu trong nước, sự hỗ trợ thỏa đáng đối với nguyên liệu nhập khẩu lại chưa được các cấp, ngành đề cập sâu sắc, giải quyết hiệu quả.
Tháo gỡ khó khăn
Để khắc phục những khó khăn trên, thiết nghĩ, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm triển khai công tác quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu TĂCN đồng bộ với quy hoạch phát triển chăn nuôi lâu dài, ổn định và quy hoạch sản xuất TĂCN để giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, người sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp sản xuất TĂCN. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để phát triển vùng nguyên liệu trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến TĂCN tại các vùng có nguồn nguyên liệu lớn và tiềm năng phát triển chăn nuôi lâu dài như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Bắc Bộ; khuyến khích sử dụng tiến bộ giống, kỹ thuật trong trồng, thu hoạch, sau thu hoạch đối với nguyên liệu sản xuất TĂCN.
Cơ quan chuyên ngành cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định quản lý Nhà nước đối với thị trường TĂCN phù hợp với tình hình thực tế, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia. Đồng thời phải tăng cường khả năng dự báo nhu cầu, giá TĂCN trong nước và khu vực để các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nhập khẩu. Chú trọng công tác quản lý chất lượng TĂCN, công khai các doanh nghiệp vi phạm và có biện pháp ứng xử phù hợp để bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi.
Để bình ổn giá TĂCN, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ lãi suất vay ngoại tệ cho doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu, nhất là những mặt hàng thường xuyên phải nhập với số lượng lớn như lúa mì.
Cần có sự thay đổi nhận thức về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TĂCN trong việc chung tay phát triển ngành chăn nuôi, bảo vệ lợi ích và chia sẻ rủi ro cho người chăn nuôi.
ThS. Đào Lệ Hằng
 


Báo cáo phân tích thị trường