Trong cuộc gặp hồi tuần trước với Hiệp hội Cao su Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia Veng Sakhon khuyến nghị các nhà đầu tư Việt Nam về nhiều cơ hội mà ngành nông nghiệp Campuchia đang mở ra và đề xuất họ tới thành lập các nhà máy chế biến cao su và sắn. “Ngành nông nghiệp Campuchia có tiềm năng rất lớn nhưng có quá ít nhà máy chế biến do chi phí điện năng cao và vốn đầu tư yếu”, theo ông Hean Vanhan, lãnh đạo ngành trồng trọt Campuchia cho hay. Ông Vanhan cho rằng các nhà đầu tư Việt Nam với công nghệ hiện đại hơn sẽ giúp phát triển ngành cao su tại Campuchia.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, Campuchia đã sản xuất 115.843 tấn cao su, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016, theo số liệu chính thức của Bộ Nông nghiệp nước này cho hay. Việt Nam và Malaysia là những thị trường chính cho cao su Campuchia.
Theo ông Pol Sopham, lãnh đạo ngành cao su tại Bộ Nông nghiệp Campuchia, chính phủ Campuchia hiện đang ưu tiên xây dựng các nhà máy chế biến cao su để tạo công ăn việc làm. “Chúng tôi có quá ít nhà máy chế biến cao su và chính phủ muốn xây dựng thêm nhà máy để ổn định giá loại hàng hóa này”.
Ông Lim Heng, phó chủ tịch An Mady Group, cho rằng các nhà đầu tư Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong hiện đai hóa ngành cao su Campuchia. “Nếu các nhà đầu tư Việt Nam tham gia vào chế biến cao su tại Campuchia thì sẽ mang đến nhiều công nghệ hiện đại hơn, cùng với các thương hiệu được nhận biết trên toàn cầu. Campuchia cần các nhà đầu tư từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc. Các nhà đầu tư nội địa lo ngại các sản phẩm của họ khó tìm thấy thị trường do thiếu thương hiệu và chất lượng”.
Chính phủ Campuchia cũng đang tích cực vận động để mở cửa xuất khẩu trực tiếp cao su sang thị trường Trung Quốc. Ông Sopha cho hay hiện cao su Campuchia hiện đang xuất khẩu sang Trung Quốc qua ngả Việt Nam.
Theo Khmer Times (gappingworld.com)