Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Malaysia quyết tâm thúc đẩy tiêu dùng cao su nội địa, bình ổn giá
13 | 10 | 2017
Malaysia đặt mục tiêu trở thành nước tiên phong trong xây dựng đường bộ cao su hóa. Công nghệ này được dự báo sẽ thương mại hóa toàn diện vào khoảng năm 2018, một động thái được hơn 440.000 nông dân trồng cao su nước này chờ đón do có thể thúc đẩy tiêu dùng cao su nội địa và bình ổn giá. Giá cao su tiếp tục trong khuynh hướng giảm do nhu cầu toàn cầu yếu.

Theo một thông cáo báo chí từ Bộ Hàng hóa và Cây công nghiệp sau cuộc họp 3 bên của Hôi đồng cao su (ITRC), cuộc họp hội nghị bộ trưởng tại Bangkok ngày 15/9, Malaysia cho thấy tiềm năng nổi lên trở thành nước tiên phong trong xây dựng đường bộ được cao su hóa tại khu vực Đông Nam Á. ITRC bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia, vốn là các nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới.

Từ năm 2015, Hội đồng Cao su Malaysia (MRB) và Bộ Xây dựng đã hợp tác nghiên cứu để đánh giá tính hiệu quả của sử dụng một sáng kiến có tên gọi Cuplump Modified Asphalt (CMA) như một loại nhựa được cao su hóa để lát đường. Cuplump là cao su được đông hóa tươi, tức quá trình đông hóa diễn ra ngay khi mủ cao su chảy từ cây cao su xuống cốc trên cây. Sự kết hợp của cuplump và bitumen sản sinh ra một chất gọi là Cuplump Modified Bitumen (CMB), sau đó được trộn với cát vàng tổng hợp để sản xuất CMA.

Trong thông cáo báo chí, Bộ Xây dựng Malaysia cho biết Malaysia sẽ thúc đẩy xây dựng đường bộ được cao su hóa tại các khu vực nông thôn và thành thị trong các nỗ lực hỗ trợ và bình ổn giá cao su.

Thương mại hóa toàn diện từ giữa năm 2018

Bộ trên cho biết MRB đã sẵn sàng phát triển công nghệ này và các chi tiết kỹ thuật cho CMB cũng như cải thiện tính gắn kết của đường bộ được cao su hóa. Đồng thời, Bộ cho biết thêm đến cuối năm 2017, Malaysia sẽ hoàn thành 28km đường cao su hóa để đánh giá hiệu quả thương mại, bao gồm 3km đường tại Teluk Intan, Perak.

MRB hiện đang hợp tác với Cục Xây dựng Công (PWD) để xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp cho các nhà khai mỏ và làm đường để cho phép thương mại hóa toàn diện công nghệ CMB từ giữa năm 2018.

Cuộc họp ITRC gần đây có sự tham gia của Bộ trưởng Hàng hóa và Cây công nghiệp Datuk Seri Mah Siew Keong và những người đồng cấp từ Thái Lan và Indonesia. Tại cuộc họp, ông Mah nhấn mạnh rằng các nước thành viên ITRC phải tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để tăng tiêu dùng cao su nội địa. Ông cũng đề xuất rằng các nước tập trung hơn vào nghiên cứu và phát triển và thương mại hóa để mang đến các sản phẩm mới cho thị trường.

Phó tổng giám đốc MRB (Research and Innovation) Zairossani Mohd Nor cho biết cơ quan của ông đã quyết định tập trung vào nghiên cứu về cuplump do khoảng 90% sản lượng cao su của Malaysia có dạng cao su đông hóa. “Hơn nữa, 95% cao su đông hóa đến từ nông hộ sản xuất nhỏ. Chúng tôi quyết định tập trung vào cao su đông hóa (để tìm ra các sáng kiến mới) do chúng tôi muốn giúp đỡ các nông hộ nhỏ này”. MRB đã bắt đầu nghiên cứu sử dụng cuplump như một phụ gia trong xây dựng đường xá từ năm 2014.

Ông Zairossani cho biết Thái Lan cũng đã phát triển một sáng kiến cho xây dựng đường cao su hóa sử dụng một công nghệ khác liên quan đến cao su chế biến. Ông cho biết sáng kiến cuplump của Malaysia đã thu hút sự quan tâm của các nước láng giềng muốn biết nhiều hơn về công nghệ này nhưng MRB chưa sẵn sàng chia sẻ chi tiết.

Thúc đẩy tiêu dùng cao su nội địa

Sử dụng cuplump trong xây dựng đường xá được kỳ vọng sẽ giúp tăng tieu dùng cao su nội địa thêm 10%/năm do cần xấp xỉ 4,2 tấn cao su đông hóa cho 1km đường, hoặc khoảng 6.000m2 đường xây dựng sử dụng công nghệ CMA. “Nếu công nghệ lát đường CMA được ứng dụng từ 5 – 10% đường xá xây dựng tại Malaysia thì sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với cao su và giúp bình ổn giá”.

Các hộ sản xuất tiểu điền của Malaysia bị tác động mạnh bởi giá cao su giảm trong những năm gần đây do nhu cầu giảm, đặc biệt là từ Trung Quốc – nước tiêu dùng cao su lớn nhất thế giới.

Chỉ riêng năm 2017, giá SMR20 đã giảm từ 957,23 Ringgits/100kg hồi tháng 1 xuống còn 626,65 Ringgits/100kg vào tháng 7. Hiện Bộ Xây dựng Malaysia đã phê chuẩn cho 1 dự án lát đường sử dụng công nghệ CMA – 20km đường quốc lộ 001 từ  Kampung Desa Temu Jodoh đến Kampung Kwong Sai tại Segamat, Johor.

MRB lần đầu tiên thử nghiệm công nghệ CMA trên 1km đường trải dài từ cơ sở nghiên cứu cao su tại Kota Tinggi, Johor và các kết quả đến nay rất tích cực. Từ năm 2015, cơ quan này đang hợp tác với PWD để tiến hành nghiên cứu sâu hơn về công nghệ này tại 3 địa điểm xây dựng đường tại Baling (Kedah), Temerloh (Pahang) và Tampin (Negri Sembilan). Nghiên cứu của họ sẽ mở rộng sang một con đường khác tại Kota Baru (Kelantan), dự kiến được xây dựng vào cuối năm 2017.

Chất lượng đường tốt hơn

Các kết luận ban đầu từ nghiên cứu và các thực nghiệm cho thấy đường lát CMA bền hơn đường thông thường, qua đó mang lại chất lượng cao hơn và tiết kiệm chi phí về dài hạn. Đường được cao su hóa cũng cho thấy góp phần giảm tiếng ồn trên đường từ 3 – 5 decibels, và cải thiện sức chịu của đường trước nhiệt độ cao và khả năng bị nứt.

Ông Zairossani cho biết những con đường thông thường phải được lát lại sau 4 – 5 năm do các vấn đề liên quan đến ổ gà, nứt gãy và biến dạng, sử dụng RMB trong lát đường có thể kéo dài chu kỳ bảo dưỡng lên xấp xỉ 8 – 10 năm. Dẫn chiếu các con đường được cao su hóa của Thái Lan làm ví dụ, ông cho biết các con đường được cao su hóa vẫn chưa cần phải lát lại và vẫn đang trong tình trạng tốt dù đã tồn tại 15 năm.

Thị trường cao su toàn cầu thâm hụt, giá vẫn giảm

Trong 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 9,24 triệu tấn, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu đạt 9,637 triệu tấn. Thị trường cao su thâm hụt gần 400.000 tấn có tác dụng hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản này không bù đắp được các tác động tiêu cực khác, xuất phát từ dự trữ cao su cao, đồng Yên mạnh và diễn biến trên thị trường dầu thô.

Dù giá cao su vật chất đã phục hồi về giá trong tháng 9 vừa qua, giá cao su vật chất vẫn mất động lực tăng trong 2 tuần cuối tháng 9 và hoạt động bán tháo hàng loạt hàng hóa toàn cầu và tồn kho cao su tăng tại thị trường cao su tương lai Thượng Hải.

Theo Bernama, ANRPC (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường