Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG ASEAN THÁNG 11/2021
13 | 12 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TÌNH HÌNH CHUNG

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường ASEAN chiếm hơn 8% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Mười tháng đầu năm 2021, xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt 2.998 triệu USD giảm 28,61%  so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu đạt 5.246 triệu USD, tăng 85,43% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 397 triệu USD, tăng 13,09% so với tháng trước và tăng 70,35% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 10/2021 là gạo (chiếm 40%), thủy sản (chiếm 16%), phân bón các loại (chiếm 7,75%), cà phê (chiếm 9,08%). So với tháng 9/2021, có 9/14 mặt hàng NLTS có kim ngạch xuất khẩu tăng, cao nhất là thủy sản (tăng 56%), cà phê ( tăng 39,54%), thức ăn gia súc và nguyên liệu ( tăng 34,74%). Trong khi đó, có 5/14 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhiều nhất là là rau quả (giảm 5,57%), thịt và sản phẩm thịt (giảm 4,21%), gạo và chè giảm khoảng 2%. So với cùng kỳ năm 2020, ngoại trừ sắn và sản phẩm sắn giảm 80,5% và sản phẩm từ cao su giảm 37,67%, các mặt hàng khác đều có kim ngạch xuất khẩu tăng, nhiều nhất là thịt và sản phẩm thịt (tăng 294%), gạo (tăng 208%), hạt tiêu ( tăng 77%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Theo dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật Philippin (BPI), nhập khẩu gạo của nước này tính từ đầu năm đến ngày 18 tháng 11 đã đạt 2,4 triệu tấn, cao hơn 300.000 tấn so với lượng nhập khẩu năm 2020, cao hơn 15,45% so với mức 2,09 triệu tấn mà quốc gia này nhập khẩu vào năm 2020. Khối lượng nhập khẩu mới nhất đã vượt quá mức 2,3 triệu tấn dự đoán nhập khẩu trong năm nay của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu cho Philippin với  2,06 triệu tấn. Khả năng tự chủ sản xuất gạo của Philippin đã tăng từ mức 79,8% được ghi nhận vào năm 2019 lên 85%.

Bộ trưởng Nông nghiệp (DA) Philippin đã ban hành văn bản yêu cầu thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản nhập khẩu bằng cách yêu cầu sử dụng thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) để cải thiện các biện pháp an toàn thực phẩm của đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi lây lan và sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật khác. Quy định có hiệu lực ngay lập tức, yêu cầu các cơ quan quản lý của DA liên quan đến nhập khẩu nông trại phối hợp với các cơ quan chính phủ khác, chẳng hạn như Cục Hải quan, để thiết lập hệ thống theo dõi và truy xuất nguồn gốc của họ bằng cách sử dụng RFID hoặc một hệ thống tương tự.

Chi phí đầu vào tăng cao đã buộc người chăn nuôi tại Philippin phải tiêu hủy gia cầm để tránh bị lỗ thêm, điều này có thể khiến nguồn cung trứng tại địa phương thắt chặt trước mùa lễ. Nếu tình hình xấu đi, các doanh nghiệp trong ngành cảnh báo về khả năng thiếu trứng trong những tháng tới vì những người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ sẽ hạn chế sản lượng hơn nữa. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ cho biết tình trạng thiếu trứng là "một tình huống cực đoan". Các nhà chức trách hiện đang xem xét thực hiện các biện pháp giúp các nhà sản xuất đối phó với tình trạng chi phí sản xuất tăng đột biến như chi phí thức ăn tăng từ 40% đến 50%.  Chính phủ Philippin đã liên tục đàm phán với các nhà cung cấp đậu tương và khô đậu tương có trụ sở tại Hoa Kỳ để cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước.

Ngày 5/11/2021 Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào đã ký kết một quy trình kiểm dịch thực vật mới cho việc xuất khẩu cam quýt và trái cây có múi từ Lào được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Chanh dây tươi của Lào sẽ được nhập khẩu vào Trung Quốc kể từ ngày 5/11/2021 qua tất cả các cửa khẩu nhập khẩu trái cây mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cho phép. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% hàng nông sản xuất khẩu của Lào, trong đó sắn, chuối, dưa hấu, mía đường và cao su là những mặt hàng xuất khẩu chính. Trong 10 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu các sản phẩm nông sản đạt 800 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, 4 loại trái cây của Lào đã được chấp thuận xuất khẩu sang Trung Quốc, đó là chuối, dưa hấu, chanh dây và cam quýt. Một số loại trái cây khác của Lào như sầu riêng, nhãn, mít và thanh long cũng đang được đàm phán để tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Ngày 02/12, Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định Thương mại điện tử ASEAN được ký kết vào ngày 22/1/2019 tại Hà Nội, Việt Nam, đã thiết lập các nguyên tắc và quy tắc chung nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử trong khu vực và tăng cường năng lực thực hiện các nguyên tắc và quy tắc đó. Hiệp định sẽ đóng vai trò là công cụ tìm đường cho các quy tắc hiện đại về giao dịch thương mại điện tử trong khu vực và mở đường hướng tới một nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp trong khu vực. ASEAN đang trên con đường trở thành nền kinh tế internet trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, được thúc đẩy bởi nền tảng người tiêu dùng và thương mại kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, tăng tốc trong thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm. Nền kinh tế Internet của ASEAN ước tính đạt 170 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào cuối năm 2021 và hơn 360 tỷ USD vào năm 2025, vượt xa dự báo trước đó là 300 tỷ USD theo ấn bản báo cáo năm 2021 về nền kinh tế điện tử Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain & Company. Thương mại điện tử là một động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các MSME, tiếp cận thị trường quốc tế.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.

 



Báo cáo phân tích thị trường