Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung tâm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp sẽ gỡ khó cho người nông dân
06 | 09 | 2022
Cơ giới hóa trong ngành hàng lúa gạo còn thiếu và yếu. Lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL mong muốn hình thành trung tâm dịch vụ về cơ giới hóa.

Nguồn nongnghiep.vn

Thực tế, tại tỉnh Kiên Giang địa phương có diện tích lúa lớn trong vùng. Mức độ ứng dụng cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh đã đạt từ 80 - 97%. Thế nhưng, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang đặt ra dấu hỏi lớn không chỉ cho tỉnh Kiên Giang mà cả vùng ĐBSCL, là vì sao chi phí sản xuất của bà con nông dân vẫn chưa giảm, hiệu quả của người nông dân vẫn chưa cao.

Ảnh 1

 

Ông Toàn trăn trở, khi hiện nay HTX không đủ “sức”để ứng dụng CGH, do chi phí đầu tư khá lớn. Nói theo lời ông Toàn, thì chỉ riêng thiết bị máy bay không người lái (thiết bị drone) chuẩn, phù hợp với nhu cầu nông dân, chi phí đầu tư cũng ít nhất 500 triệu đồng, thiết bị máy cày cũng dao động từ 300 – 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thiết bị drone không chính quy, dẫn đến khó quản lý, kiểm soát về chất lượng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ông Toàn gợi mở, Kiên Giang đã và đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào HTX, hướng dẫn vận hành, giúp HTX có thể tiếp cận máy móc thiết bị mới và giảm nguồn lực vốn đầu tư. Trên tinh thần, doanh nghiệp đầu tư vào rồi tính khấu hao, hai bên cùng đầu tư, thuận lợi trong hợp tác. Ngược lại, doanh nghiệp cũng có được nguồn nguyên liệu đạt chuẩn. Song song đó, về chính sách cũng cần quy định kiểm soát an ninh nhất là thiết bị nhập từ nước ngoài, khuyến khích đưa thiết bị mới vào các mô hình điểm, đào tạo nhân lực thực hiện CGH.

Đồng quan điểm trên, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đưa ra phép so sánh, trong khi các nước trên thế giới đã hình thành các nhóm sở thích mua chung một máy móc để sử dụng, thì tại Việt Nam hầu hết chỉ có doanh nghiệp hoặc tổ chức tư nhân mới có đủ vốn để đầu tư máy làm dịch vụ.

Tại Hậu Giang, địa phương có 77.000ha diện tích trồng lúa, thế nhưng CGH hiện nay chỉ mới tập trung ở 2 khâu chính là làm đất và thu hoạch. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh, địa phương có tổng số 1.400 máy làm đất các loại và 350 máy gặt đập liên hợp. Con số thiết bị phục vụ cấy, phun thuốc BVTV còn khá khiêm tốn khi chỉ có 30 máy cấy và 30 thiết bị drone do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang quản lý.

Theo đánh giá chung của ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, hiện nay việc thực hiện CGH ở vùng ĐBSCL chưa đồng bộ, còn manh mún. Năm 2020, tỉnh đã ban hành đề án phát triển nông nghiệp trong đó tập trung vào HTX. “Chúng tôi tập trung chỉ 15 HTX, nhưng HTX phải phát triển mạnh”, ông Hùng nhấn mạnh không tập trung phát triển số lượng HTX mà chú trọng chất lượng.

Địa phương này cũng “mơ ước” hình thành trung tâm dịch vụ CGH nông nghiệp trong đó tất cả máy móc sẽ tập trung vào đây. Và 150 tỷ đồng là con số được Tỉnh ủy Hậu Giang bổ sung vào nguồn kinh phí cho đề án, để khuyến khích các HTX đầu tư CGH.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp gắn liền với cơ giới hóa đồng bộ, khai thác theo chuỗi giá trị tại huyện Hòn Đất, vận động doanh nghiệp vào phối hợp thực hiện.

Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 là 1.009ha, đảm bảo thực hiện cơ giới hóa cả 6 khâu trong canh tác lúa, người dân cũng dần thay đổi được tư duy. Địa phương này đang mở rộng diện tích lên 4.000ha. Và tương lai trong năm 2023 có thể tăng lên 6.000ha. Đây là mô hình điểm, cho thấy hiệu quả nếu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cơ giới hóa.

 



Báo cáo phân tích thị trường