Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
KINH NGẠC VỚI XUẤT KHẨU RAU, QUẢ
24 | 06 | 2024
Chuối vươn lên số 1 tại thị trường Trung Quốc; "vua trái cây" sầu riêng vẫn giữ phong độ... Nhờ thế, chỉ mất 6 tháng, xuất khẩu rau quả của VN đã đạt kim ngạch đến 3,5 tỉ USD, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn: Thanhnien.vn

Chuối VN vươn lên vị trí số 1 tại Trung Quốc

Tại nhiều vùng trồng chuối lớn ở Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương… những tháng qua đều đều mỗi ngày đón các xe container đến "ăn hàng". Sau khi chất đầy chuối, đoàn xe hướng về các cửa khẩu phía bắc để nhập khẩu vào Trung Quốc sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng. Đại diện nhiều đơn vị xuất khẩu cho biết so với những năm trước, tình hình xuất khẩu chuối năm nay thuận lợi hơn rất nhiều. Các khách hàng như Nhật Bản và Hàn Quốc luôn "chốt cứng" số lượng và mức giá cho cả năm nên sản xuất ổn định. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tăng trưởng 15 - 20% tùy thời điểm. Điều này giúp đầu ra của quả chuối được bảo đảm, không còn phải "giải cứu" như những năm trước đây.

A1.jpg

Chuối VN đứng số 1 về sản lượng tại thị trường Trung Quốc

Chí Nhân

Đặc biệt, chuối VN đang có sự gia tăng thị phần mạnh mẽ ở thị trường láng giềng Trung Quốc. Trung bình, mỗi năm nước này chi khoảng 1 tỉ USD để mua chuối từ các nước, trong đó Philippines chiếm 50%, kế đến là Campuchia 20% và VN khoảng 16%. Tuy nhiên từ đầu năm 2024 đến nay, VN trở thành nguồn cung chuối lớn nhất vào thị trường Trung Quốc. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2024, VN cung cấp đến 355.000 tấn chuối (tăng 22%), đạt kim ngạch 144 triệu USD (tăng 3%). Sự vươn lên mạnh mẽ của VN đã đẩy Philippines rơi xuống vị trí thứ 2 với 148.000 tấn (giảm 32%) và kim ngạch gần 80 triệu USD (giảm 44%) so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến chuối VN chiếm vị trí số 1 ở thị trường Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), phân tích do thời tiết bất lợi nên sản lượng và chất lượng chuối của Philippines bị ảnh hưởng. Đặc biệt là nhiều vùng trồng chuối nước này còn bị nhiễm dịch bệnh. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển từ Philippines tới Trung Quốc cũng tăng cao khiến giá hàng hóa của họ cao hơn 33% so với hàng VN.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng cơ quan phụ trách phía nam (Hội Làm vườn VN), bổ sung: Tình hình căng thẳng trên biển giữa Philippines và Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến sản lượng hàng hóa nông sản của nước này vào thị trường 1,4 tỉ dân. "Chính vì vậy, tôi cho rằng sự tăng trưởng hiện nay có tính thời điểm. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để nhiều người Trung Quốc biết đến sản phẩm của VN. Chúng ta cần tận dụng cơ hội này để đưa sản phẩm chất lượng tốt nhất giới thiệu tới người tiêu dùng nước này, gia tăng thị phần về lâu dài", ông Mười nói.

Bên cạnh chuối, nhiều loại rau quả xuất khẩu cũng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm. Tổng cục Hải quan thông tin so với cùng kỳ năm trước, trong 4 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu mít đạt trên 129 triệu USD tăng gần 66%, dưa hấu đạt 68 triệu USD tăng 64%, bưởi đạt 11 triệu USD tăng 8 lần…

Xuất khẩu rau quả có khả năng vượt 7 tỉ USD

Đầu tháng 6 này, ông Nguyễn Văn Tùng ở H.Tân Phú (Đồng Nai) vừa thu hoạch hơn 1,5 ha sầu riêng Thái Lan, với giá bán xô 75.000 đồng/kg. Ông Tùng cho biết do năm nay nắng nóng gay gắt kéo dài nên phải tốn nhiều công chăm sóc nhưng trái vẫn nhỏ và năng suất không được tốt như dự báo. Tuy nhiên, trừ hết chi phí cũng thu lãi hơn 1 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận hấp dẫn với nghề làm nông và ông Tùng hy vọng thị trường có thể ổn định lâu dài để bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Kinh ngạc với xuất khẩu rau, quả- Ảnh 2.

Sầu riêng tiếp tục thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh

Hoàng Nguyễn

Theo khảo sát của Thanh Niên, giá sầu riêng hiện duy trì mức cao. Cụ thể như sầu riêng Ri 6 từ 50.000 - 65.000 đồng/kg, còn sầu riêng Thái Lan có giá 70.000 - 75.000 đồng/kg tùy loại. Nhiều thương lái nhận định sau tháng 6 thì vụ thu hoạch rộ ở các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng kết thúc và phải chờ đến tháng 9 mới đến vụ thu hoạch rộ ở các tỉnh Tây nguyên. Chính vì vậy trong giai đoạn tháng 7 - 8, nguồn cung sầu riêng hạn chế và giá có thể tăng khá cao so với hiện tại.

Nhìn vào báo cáo sơ bộ xuất khẩu rau quả tháng 6, ông Đặng Phúc Nguyên hồ hởi: Nhờ có sầu riêng nên tháng này xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng mạnh, đạt tới 775 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm lên tới 3,5 tỉ USD, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 5, trong nhóm 10 thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của VN, ngoại trừ Hà Lan thì các nước còn lại đều tăng trưởng 2 con số. Trong số này, đáng chú ý là một cường quốc xuất khẩu rau quả như Thái Lan cũng đạt kim ngạch tới 74,5 triệu USD, tăng 49% so với năm trước.

Ông Nguyên lạc quan khả năng cao xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt và thậm chí vượt 7 tỉ USD, nếu không có yếu tố bất ngờ. Vùng trồng sầu riêng lớn nhất VN hiện nay là các tỉnh Tây nguyên sẽ thu hoạch rộ vào thời điểm tháng 9 - 10. Năm ngoái đây là giai đoạn xuất khẩu sầu riêng cao kỷ lục của VN do Thái Lan hết hàng. Còn từ nay đến đó sản lượng sầu riêng của VN hạn chế cũng giúp mặt hàng này giữ được giá tốt. "Điều đáng chú ý là mới đây Trung Quốc đã cấp phép cho sầu riêng tươi Malaysia nhập khẩu chính ngạch vào nước này và trước đó là Philippines. Nghĩa là Trung Quốc muốn đa dạng hóa nguồn cung sầu riêng. Tuy nhiên chúng ta cũng không cần quá lo vì sản lượng của 2 nước này hạn chế và tính mùa vụ cao. Vấn đề của VN là cần phải tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm của mình để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra", ông Nguyên nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mười phân tích: Trước kia thị trường sầu riêng của Trung Quốc chỉ có Thái Lan một mình một chợ. Sau đó là sự tham gia của VN và hiện nay thêm 2 nước nữa. Điều này cho thấy tính cạnh tranh của các nguồn cung ngày càng gay gắt. Dù hiện tại họ chưa phải đối thủ lớn nhưng nếu xuất khẩu thuận lợi thì bà con nông dân của họ cũng mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu. Để duy trì tính ổn định và bền vững cho sầu riêng VN thì không có cách nào khác là phải tập trung nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm. Phải bắt đầu từ ý thức của người dân, hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp để kiểm soát quy trình từ vườn tới bàn ăn. Có như vậy, xuất khẩu sầu riêng mới bền vững.

Tháng 8 tới, Trung Quốc cũng sẽ thu hoạch vụ sầu riêng ở đảo Hải Nam. Tuy có nhiều hoài nghi về chất lượng sản phẩm của nơi này, nhưng đây cũng là thông tin mà chúng ta cần lưu ý. Dù vẫn còn nhiều mối lo, song với đà tăng trưởng hiện tại tôi tin tưởng năm 2024 tiếp tục là một năm thành công với ngành rau quả xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng cơ quan phụ trách phía nam (Hội Làm vườn VN)

info.jpg

 


Báo cáo phân tích thị trường