Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước còn gần 3.000 doanh nghiệp nhà nước các loại, đang nắm giữ 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 50% tổng vốn đầu tư của Nhà nước, 70% tổng vốn vay các ngân hàng nước ngoài và gần 60% tổng lượng vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước...
Thế nhưng, hàng năm khối doanh nghiệp nhà nước mới chỉ đóng góp 40% thu nhập trong GDP của cả nước. Nhận xét về DNNN, hầu hết các ý kiến đều thừa nhận rằng có tiềm lực lớn, được ưu đãi nhiều, đầu tư lớn từ phía Nhà nước nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, năng lực cạnh tranh kém.
Từ câu chuyện của ngành mía đường
Một trong những chương trình đầu tư lớn mà không mang lại hiệu quả nhất phải kể đến là chương trình sản xuất 1 triệu tấn đường. Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng, tính đến năm 2002, cả nước đã xây dựng 44 nhà máy đường (chủ đầu tư hầu hết là các DNNN địa phương), tổng công suất thiết kế là 82.950 tấn mía/ngày. Tổng số vốn đầu tư, mở rộng, xây dựng mới các nhà máy lên tới 10.050 tỉ đồng, trong đó có hơn 6.677 tỉ đồng thiết bị và hơn 3.372 tỉ đồng xây lắp. Tổng sản lượng đường đạt trên một triệu tấn.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng tài chính của các nhà máy đường trên toàn quốc là hết sức thê thảm với số nợ khoảng trên 5.000 tỉ đồng và đa số mất khả năng chi trả. Nhiều nhà máy chỉ sau một vài năm hoạt động đã lỗ trên 50% vốn đầu tư, thậm chí có những nhà máy lỗ trên 100% vốn đầu tư. Nhà máy đường Quảng Bình lỗ 136,6 tỉ/141,1 tỉ đồng vốn; Nhà máy đường Kiên Giang lỗ 170,6 tỉ/161,1 tỉ đồng vốn đầu tư; Nhà máy đường Sơn Dương lỗ 119,6 tỉ/107,8 tỉ đồng vốn đầu tư.
Khi lập dự án, hầu hết các địa phương đều tìm cách "thu nhỏ" nhà máy, giảm mức đầu tư xuống mức thấp để có được quyết định. Sau khi có quyết định, được cấp vốn, họ lại xin điều chỉnh mức đầu tư lên. Có những dự án nhà máy đường phải điều chỉnh nhiều lần, tăng đến 60%, thậm chí 100% tổng vốn đầu tư: Nhà máy đường Phụng Hiệp tăng từ 134,2 tỉ đồng lên đến hơn 210 tỉ đồng; Nhà máy Linh Cảm tăng từ 98,4 tỉ đồng lên đến 122,6 tỉ đồng; Nhà máy Vị Thanh tăng từ 81,3 tỉ đồng lên đến 173,6 tỉ đồng.
Việc nhập thiết bị của Trung Quốc tuy mới nhưng đã lạc hậu về công nghệ. Cùng nhập thiết bị của Trung Quốc, cùng công suất (1.000 tấn mía/ngày) nhưng giá nhập chênh nhau hàng chục tỉ đồng: Nhà máy đường Sơn La 65 tỉ đồng; nhà máy ở tỉnh Kon Tum nhập 70 tỉ đồng; Bình Thuận 75,2 tỉ đồng và Trị An là 76 tỉ đồng...
Nhiều nhà máy nhập dây chuyền thiết bị của Úc, giá đắt gấp đôi của Trung Quốc, nhưng nhiều năm không hoạt động được như thiết kế, bị lỗ lớn. Nhà máy đường Quảng Nam nhập dây chuyền của Úc trị giá 12 triệu USD, chi phí xây dựng hết 172 tỉ đồng và hiện đang lỗ tới 123 tỉ đồng. Tại dự án Nhà máy đường Quảng Nam, chủ đầu tư và Ban quản lý nhà máy đã được các đối tác giao máy móc thiết bị cũ, không đúng chủng loại, không đúng danh mục hợp đồng và công suất thiết kế nhưng vẫn tự ý nhận và lắp đặt.
Trong khi nhà máy chưa đạt các thông số kỹ thuật, chưa có hồ sơ nghiệm thu kỹ thuật... nhưng chủ đầu tư đã ký biên bản nghiệm thu tạm thời để thanh toán 5% tiền bảo hành cho đối tác. Các hành vi này đã gây thiệt hại cho Nhà nước 143.830 USD và hơn 1,5 tỉ đồng.
Tại dự án mở rộng Nhà máy đường Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mức đầu tư 218,736 tỉ đồng, lãnh đạo đơn vị này có hành vi thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 20 tỉ đồng.
Lãng phí mỗi năm 1 tỷ USD
Đó là nhận định của Giáo sư David Dapice của Đại học Harvard trong bài phát biểu tại Hội thảo tổng kết 20 năm đổi mới ở VN diễn ra tại Hà Nội ngày 15 và 16/6/2006. Khi trả lời báo chí, Giáo sư David Dapice cho biết, IMF dự đoán tổng sản phẩm quốc nội GDP của VN năm 2006 đạt khoảng 55 tỉ USD, như vậy các luồng vốn nước ngoài bằng khoảng 25-30% GDP năm nay. Và trong thực tế mỗi năm Chính phủ VN cũng đầu tư vào mức 30% GDP. Nếu đầu tư một cách tiết kiệm và khôn ngoan, tỉ lệ tăng trưởng GDP của VN phải ở mức thực là 9-10% như ở Trung Quốc chứ không phải là 7-8%.
Khoảng những năm 1960-1970, khi Đài Loan có mức thu nhập bình quân đầu người như VN hiện nay, họ đã tăng trưởng trên 11% trong suốt 10 năm liền tuy lượng đầu tư chỉ chiếm 25% GDP. Như vậy, sự lãng phí làm VN mỗi năm tổn thất khoảng 2% GDP, tương đương 1 tỉ USD.
Khi được yêu cầu đưa ra một ví dụ minh hoạ, không ngần ngại, Giáo sư David Dapice đã chọn ngay 1 DNNN là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Khi đó Vinashin vừa được phân bổ 750 triệu USD của đợt phát hành trái phiếu quốc tế nhằm mở rộng và đầu tư hàng loạt nhà máy đóng tàu ở các tỉnh.
"Tôi có những tính toán cho thấy việc sử dụng nguồn vốn của Vinashin không hiệu quả," Giáo sư David Dapice nói. "Một xưởng đóng tàu 120.000 tấn hiện đại đang được xây dựng ở Ấn Độ với chi phí 90 triệu USD trong khi với Vinashin phải cần tới 150 triệu USD. Như vậy với cùng một thời gian đóng tàu là 18 tháng, cùng một giá bán thì rõ ràng việc đóng tàu tại VN tập trung vào mục tiêu bán hàng hơn là lợi nhuận từ vốn."
"Vinashin còn có một kế hoạch tổng thể đầu tư 3 tỉ USD vào các xưởng đóng tàu, nhà máy thép và các ngành công nghiệp cung ứng khác. Mức đầu tư đó sẽ khiến qui mô của Vinashin bằng 3/4 qui mô của Hyundai, tập đoàn đóng tàu lớn nhất với 15% thị phần thế giới. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy Vinashin có khả năng kỹ thuật cũng như quản lý để biện minh cho một thị phần lớn như vậy. Tôi cho rằng, việc quyết định đầu tư hàng loạt nhà máy đóng tàu ở các tỉnh sẽ làm các địa phương hài lòng vì nó kéo theo sự phát triển hạ tầng ở các địa phương, nhưng cách mà VN đang tiến hành là Chính phủ đi vay tiền đầu tư vào các ngành thiếu hiệu quả và tạo ít việc làm là không nên. Việc các DNNN được đầu tư quá nhiều cũng có thể làm xói mòn hiệu quả."
Các DNNN sở dĩ được đầu tư nhiều nhưng có hiệu quả thấp, theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW cho rằng, lãng phí là nguyên nhân chính để DNNN kém hiệu quả. Không ai lại lãng phí tài sản của mình. Còn tài sản Nhà nước thì hoàn toàn có thể, chỉ cần họ không sai luật, hay không bị luật pháp truy cứu.
Người được giao trọng trách quản lý tài sản nhà nước tại DNNN thường là hội đồng quản trị (HĐQT) do chủ tịch đứng đầu. Những ông chủ này không có đầy đủ quyền năng (gồm quyền sử dụng, chuyển nhượng và định đoạt). Thường họ không có một đồng vốn nào trong DN vậy nhưng lại được tiêu tiền thật. Một trong những cách tiêu tiền quen thuộc là thông qua việc đầu tư mua sắm vật tư thiết bị để nâng giá khống. Những chuyện như vậy trên thực tế diễn ra rất nhiều và điều này tất yếu sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán 277/523 DN thuộc 21 tổng công ty, tổ chức tài chính - ngân hàng công bố năm 2006 về kết quả hoạt động năm 2005 cho thấy, có 76,5% DN được kiểm toán có lãi với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu bình quân là 19,2%, chỉ có 23% số DN thua lỗ. Đây là điều gây ngạc nhiên lớn bởi theo Báo cáo kiểm toán 2005 về kết quả hoạt động năm 2004 thì hầu hết các tổng công ty, tập đoàn kinh tế của Nhà nước có tỷ suất lợi nhuận chỉ là 0,5%. Các ý kiến cho rằng hiện còn nhiều DNNN chưa kiểm toán có lãi, nhưng lợi nhuận vẫn thấp hơn lãi suất ngân hàng, nhiều doanh nghiệp sống dựa vào việc cho thuê mặt bằng, còn kinh doanh thực tế không hiệu quả.
Dẫu được hưởng hầu hết mọi ưu ái, nhưng trong năm 2005, nộp ngân sách của các DNNN chỉ tăng có 49%, trong khi đó, con số này của các DN ngoài quốc doanh là 137%.
Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh thì nhiều DNNN hiện chỉ sử dụng 50% hiệu suất tài sản số còn lại là sự lãng phí mà không thể tính được.
Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì hiện các DNNN đang nợ hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó khoảng hơn 10.000 tỷ đồng là nợ quá hạn. Tỷ lệ nợ trên vốn của DNNN nhìn chung còn quá cao. Đặc biệt, nhiều công ty có số nợ phải trả gấp 5 lần vốn nhà nước tại công ty. Có công ty vay gấp hơn 20 lần vốn tự có nên khả năng thanh toán nợ rất thấp, rủi ro cao.
Có nên ưu đãi cho các DNNN?
Câu trả lời của các nhà kinh tế là không. DNNN đã hình thành và phát triển từ 1/2 thế kỷ nay, nếu mạnh thì đã mạnh rồi. Thời gian qua, các DNNN được ưu đãi, bao cấp nhiều và cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Chính sự bao cấp, ưu ái nhiều đã làm cho nhiều DNNN chỉ biết trông chờ vào Nhà nước hơn là phải tự thân vận động, trong khi thương trường cần sự năng động, nhạy bén và quyết đoán.
Kinh tế thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Do đó, chúng ta cần sòng phẳng hơn trong chính sách, biện pháp quản lý đối với các doanh nghiệp. Ưu đãi lớn trong thời gian dài mà thấy không hiệu quả thì không nên tiếp tục. Với những doanh nghiệp không phải là DNNN nếu thua lỗ phát sinh các khoản nợ đến hạn không có khả năng thanh toán thì con đường tất yếu là tuyên bố phá sản và chủ sở hữu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Vậy thì DNNN cũng đến lúc phải thực hiện một nguyên tắc chung như vậy.