Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hoà Bình: cây mía đường đang lấy lại vị thế
06 | 08 | 2007
Đến thăm vùng mía nguyên liệu ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, trước mắt chúng tôi là những hàng mía đang thời kỳ vươn dóng, cây cao ngang tầm với tay, màu xanh trải rộng ngút ngàn.

Ông Đinh Tiến Thanh, Bí thư Đảng uỷ xã Hào Lý, huyện Đà Bắc là người tiên phong đưa cây mía đường về đây cho biết: năm 1994, Hào Lý chỉ trồng 3 ha mía cho Công ty mía đường làm mía giống. Những năm sau, diện tích mía tăng dần và cao nhất là năm 2003 toàn xã có 14 ha, với năng suất bình quân đạt 80 tấn/ha. Nhiều hộ đạt 100 đến 120 tấn/ha. Năm 2004 và 2005, mía xuống giá còn 230 đồng/kg, dân bỏ mía trồng ngô. Đầu năm 2006, diện tích mía ở Hào Lý đã có 110 ha. Cuối năm nay, diện tích mía sẽ tăng lên trên 130 ha.

Chúng tôi hỏi ông Thanh, nguyên nhân nào đã kéo cây mía đường trở lại với đồng bào? Ông Thanh chỉ tay vào những ngôi nhà xây mái bằng, mái ngói, những cần ăng ten ti vi cao vút trong xóm nói: chỉ hai năm không trồng mía đường, số hộ làm nhà xây, mua xe máy, ti vi trong xã giảm hẳn. Đó là câu trả lời cụ thể nhất về hiệu quả kinh tế của cây mía đường cho nhân dân Hào Lý. Vụ mía năm nay, Công ty mía đường đã ký hợp đồng thu mua mía cây với giá 370 đồng/kg và 520 đồng/kg mía giống, thì người trồng mía sẽ có thu nhập từ 34 đến 37 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 16 đến 20 triệu đồng. Theo số liệu của trạm mía, vụ xuân năm 2006, Đà Bắc đã trồng hơn 300 ha mía. Vụ thu, các chủ hợp đồng đăng ký trồng thêm gần 100 ha.

Huyện Kim Bôi sau 2 năm "tẩy chay" cây mía đường, diện tích giảm từ 1.000 ha xuống còn gần 400 ha thì sau vụ mía 2005, diện tích mía đường đã tăng lên 750 ha. Cuối năm 2006, Kim Bôi sẽ có khoảng 900 ha mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường. Tại Thung Rếch, xã Tú Sơn, nơi đồng bào Mường, Dao, Tày đã trồng mía đường ngay từ khi nhà máy đường xây dựng, năng suất mía luôn đạt 80 đến 90 tấn/ha, có hộ đạt 120 tấn/ha (cao nhất tỉnh).

Ông Lý Văn Thành, xóm Kim Bắc 1, chủ hợp đồng của 28,5 ha mía rất tâm đắc, vì vụ này trồng giống mới ROC -23, ROC-26 chắc chắn năng suất sẽ tăng lên 90 đến 100 tấn. Giá và đầu ra ổn định, vốn đầu tư do nhà máy cấp, không có lợi nào hơn trồng mía đường.

Trao đổi với anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc xí nghiệp nguyên liệu, chúng tôi được biết: vào năm 2003 và 2004, đường kính trắng xuống giá, tiêu thụ chậm. Cũng như nhiều nhà máy đường trong nước, nhà máy đường của tỉnh lâm vào tình trạng thua lỗ, sản xuất đình trệ. Diện tích mía nguyên liệu giảm xuống 2.000 ha và năm 2005 chỉ còn 1.400 ha. Chủ hộ không đầu tư chăm sóc nên năng suất mía chỉ đạt 40 đến 50 tấn/ha, có nơi 30 đến 35 tấn/ha.

Để khôi lại vùng nguyên liệu mía, năm 2006, Công ty mía đường Hoà Bình đã có một loạt giải pháp: ngay từ đầu vụ, công ty đã ký hợp đồng thu mua mía cây với giá 370 đồng/kg tại bờ, mía giống giá 520 đồng/kg; loại bỏ giống mía năng suất thấp, thay vào đó là giống mía ROC-23 và ROC-26 cho năng suất nơi cao nhất đạt 130 tấn, thấp nhất 110 tấn/ha. Công ty đã thay đổi một số chính sách đầu tư: với vụ mía đầu tiên, người trồng được công ty đầu tư 1 ha là 3.500 kg phân vi sinh, 200 đến 300 kg đạm, cho vay 8 tấn giống, 1,2 triệu đồng tiền làm đất, 1,5 triệu đồng chăm sóc, thuốc trừ sâu tùy theo nhu cầu của chủ hộ.

Như vậy, công ty đầu tư cho một ha mía nguyên liệu từ 12 đến 13 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha mía cần đầu tư đủ mức quy trình kỹ thuật là 15 đến 16 triệu đồng. Đây chính là động lực mạnh mẽ đưa cây mía nguyên liệu vượt qua thời lận đận. Vị ngọt cây mía đường đã, đang làm ấm lòng người dân trồng mía trong tỉnh./.


(Nguồn tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường