Ông Lê Quang Dũng, Giám đốc chi nhánh Chế biến kinh doanh gạo xuất khẩu số 1 (Gentraco) nói: “Mấy ngày qua do giá lúa quá cao nên chúng tôi chỉ thu mua 780-800 tấn/ngày đủ cung ứng các hợp đồng XK đã ký”. Theo anh Dũng, trong tình hình đó khuyến cáo của Hiệp hội đã làm giá lúa đứng khựng lại. Còn theo giới hàng xáo có một nguyên do nữa là cách đây 2 ngày các trạm thu mua của các DN miền Bắc đóng ở Thốt Nốt và Lấp Vò (An Giang) chuyên thu mua gạo trắng, không kén hàng thì nay họ “rút" hết cũng là một yếu tố khiến lúa gạo không tăng giá.Song qua thăm dò, phần lớn các DN đều tỏ ra thận trọng trước "vạch sơn" mà Hiệp hội vẽ ra. Theo họ hiện nay giá tăng không phải vì thiếu lúa mà do những yếu tố đầu vào của SXNN như phân bón, thuốc BVTV, công cắt lúa, giá dầu...đều lên. Vậy khuyến cáo của Hiệp hội chỉ giải quyết "phần ngọn", không đủ sức kéo giá lúa đang tăng phi mã xuống. Còn ông Trần Thanh Vân, PGĐ Cty Gentraco (Cần Thơ) có suy nghĩ tích cực hơn: Dù muộn còn hơn không, khuyến cáo của VFA là đúng. Quả thực nếu thành viên nào tuân thủ chỉ đạo của Hiệp hội thì đều làm ăn có lãi.
Tuy nhiên trên thực tế khó khăn vẫn vây quanh các DN, khó nhất là khó xoay sở đồng vốn để thu mua nguyên liệu. Các DN tư nhân cho biết, dù trong những ngày tới giá lúa có đứng lại và dẫu biết thu mua lúa gạo bán cho thị trường nội địa lẫn XK sẽ có lời…nhưng vẫn không có tiền khi ngân hàng soát xét chặt chẽ từ hạn mức, thời hạn, lãi suất cho vay. Ngay như Gentraco, một DN lớn XK gạo hơn 300.000 tấn/năm nhưng ông Vân cho biết, năm nay ngân hàng không cho vay dự trữ như những năm trước. Do đó, DN dù muốn thu mua lúa gạo trước cũng không có tiền.
Như vậy có nghĩa là một khi các DN tạm ngưng ký tiếp hợp đồng XK gạo như khuyến cáo của VFA, giá lúa gạo có thể sẽ hạ xuống nhưng DN cũng không có tiền để thu mua lúa. Khi đó, lúa xuống giá mà DN không tiền mua thì nông dân cũng đâu có lợi. Vì vậy xét trên nhiều khía cạnh, khuyến cáo của VFA cần chờ thêm vài ngày nữa xem nó có đem lại sự tích cực hay không.