Đau đầu vì trả lãi
Anh Đặng Anh Đức, kế toán trưởng Công ty may Long Mã cho biết, mỗi năm công ty vay ngân hàng khoảng 10 tỷ đồng để làm các hợp đồng hàng may mặc xuất khẩu. Số lãi phải trả khoảng 170 triệu/năm. Nếu như ngân hàng tăng lãi suất cho vay tới 18% thì năm nay công ty sẽ mất thêm 500 triệu để trả lãi ngân hàng. Số tiền đó gần bằng tổng lương của công ty trong một tháng và chiếm tới 30% lợi nhuận trước thuế của DN.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, kế toán trưởng một DN tại Hà Nội tính toán, với mức lãi vay ngân hàng như hiện nay, cộng với giá vật tư đầu vào tăng cao, nhiều DN sản xuất bị giảm sút lợi nhuận nghiêm trọng. Thông thường, ngay từ đầu năm, DN đã phải lập kế hoạch kinh doanh và tính toán thiết lập mục tiêu đạt lợi nhuận dự kiến là bao nhiêu. Song với lãi vay ngân hàng tăng mạnh, từ lúc chiếm 16-18% chi phí sản xuất của DN, nay tăng lên chiếm tới 25%, tính ra chi phí đội lên thêm 6-8%, thì phần lợi nhuận co lại rất nhiều. DN lại phải thắt lưng buộc bụng, co kéo vào những chi phí khác, nhưng rất khó vì tình hình chung các chi phí đầu vào cũng tăng chứ không có mặt hàng nào giảm giá cả, trừ cước viễn thông.
Theo ông Nguyễn Sĩ Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ, doanh thu của công ty khoảng 110 tỷ đồng/năm, nộp thuế 12 tỷ, trả lãi vay ngân hàng 6 tỷ, chỉ còn 3-4 tỷ trang trải lương cho các cán bộ công nhân viên. Như vậy, số tiền trả lãi ngân hàng cao gấp rưỡi chi phí trả lương.
“Giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh, giá bán sản phẩm từ dầu tại thị trường trong nước chưa phản ứng kịp, dầu thô 1 tuần có thể tăng 10%, dầu qua chế biến cũng tăng tương đương nhưng hiện nay các sản phẩm của chúng tôi chỉ mới tăng 3-5%, có sản phẩm chưa tăng đồng nào. Vì xin tăng giá khó khăn lắm, mà tiết giảm chi phí thì cũng chẳng dễ”, ông Sơn nói.
Lương không tăng nên nhiều cán bộ, công nhân đã nộp đơn xin nghỉ, khiến DN rất lúng túng. Mạnh ai nấy tìm lối thoát
Hầu hết các DN đều kêu thời điểm hiện nay khó vay ngân hàng nhưng giải pháp thay thế thì vẫn chưa nhiều khả quan.
“Chúng tôi phải chuyển sang huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong cán bộ công nhân viên, để chỉ phải trả lãi tương đương lãi suất huy động của ngân hàng, ngoài ra còn bán cổ phiếu nội bộ.
Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa cả”, anh Tuấn nói.
Một số DN khác cũng đưa giải pháp huy động cán bộ nhân viên, và cầm vốn của DN bạn hàng, thậm chí nợ quá hạn ngân hàng vì nếu trả cũng chưa vay ngay được. Có DN đã lên kế hoạch niêm yết, phát hành cổ phiếu nhưng gặp thời bĩ cực của TTCK nên cũng đành bó tay.
Theo anh Đặng Anh Đức, tạm thời mới khó vay vài tháng gần đây nên trước mắt DN vẫn cố gắng xoay sở được bằng nhiều cách, nhưng về lâu dài, nếu lãi suất quá cao mà ngân hàng vẫn khép cửa thì DN sẽ rất khó khăn, không lấy đâu ra vốn để quay vòng, đặc biệt là những DN cần vốn dài hạn, không được đáp ứng kịp thời sẽ rất dễ đổ bể.