Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp tìm mọi cách tiết kiệm chống bão lãi suất
23 | 05 | 2008
Bớt thắp điện, bớt gọi điện thoại, nghỉ giải lao trong giờ cao điểm, hạn chế mở máy lạnh, tận dụng các sản phẩm phế thải để tiết kiệm nguyên liệu… DN làm tất cả mọi thứ để tiết kiệm từng đồng.
Tạm dừng các khoản vay

Mỗi năm, DN tư nhân chế biến thực phẩm Hạnh Phúc vay của ngân hàng 3-5 tỷ đồng. Mới đây Hạnh Phúc lập dự án mở rộng quy mô doanh nghiệp, mở rộng cơ xưởng, dự kiến sẽ vay vài chục tỷ đồng.

Thế nhưng sau ngày 19/5, khi các ngân hàng đã tăng lãi suất, Hạnh Phúc không vay ngân hàng nữa, hủy bỏ dự án mở rộng cơ xưởng. Kể cả khoản vay kinh doanh cũng không vay nữa.

Theo dự báo của giới kinh doanh tài chính, sắp tới đây có thể sẽ có một làn sóng các DN nhỏ rời bỏ ngân hàng như Hạnh Phúc, hoặc là DN xoay vốn theo cách khác, hoặc là thu hẹp sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Chánh, GĐ Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn, cho biết từ khi dầu thô chỉ vài chục USD một thùng và lãi suất ngân hàng 10-12%/năm, các đại lý, nhà phân phối được hưởng 300 đồng đến 500 đồng/lít nhiên liệu bán ra. Nhưng nay dầu đã chạm gần tới 128 USD/thùng, khoản vốn bỏ ra hơn gấp nhiều lần, đại lý vay ngân hàng lãi suất 18%/năm, nhưng tiền hoa hồng vẫn như cũ, nên tỷ suất lợi nhuận trên vốn còn rất thấp.

Ngành may mặc phải chi phí rất lớn, buộc phải tìm mọi cách để tiết kiệm. Ảnh: Phân xưởng của công ty Dệt may Thành công.

Ngành may mặc phải chi phí rất lớn, buộc phải tìm mọi cách để tiết kiệm. Ảnh: Phân xưởng của công ty Dệt may Thành công. Ảnh: Đặng Vỹ

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, cho biết, nguyên liệu gỗ của các DN Việt Nam hầu hết nhập về từ nước ngoài, xa nhất tận Brazil. Giá dầu DO tăng cao khiến giá vận chuyển đường biển tăng mạnh. Trong khi đó ngành gỗ xuất khẩu phải 2 lần vận chuyển, nên với giá bán một sản phẩm gỗ, khoản tiền vận chuyển đã chiếm 40%.

Theo ông Lê Văn Nam, chủ DN Hạnh Phúc, với mức lãi suất tín dụng như hiện nay, DN khó lòng trả nổi. Ngoài mức lãi suất vay tối đa 18%/năm, hầu hết các ngân hàng lại thu thêm một khoản “quản lý phí” 4% đến 5% nữa. Như vậy tổng mức lãi phải trả đến 22-23%. Trong khí đó nguyên liệu đầu vào tăng 100%, sản xuất không còn có lãi.

Theo bảng công bố tình hình SXKD, báo cáo tài chính, phần lớn các DN sản xuất đạt tỷ suất lãi trên vốn khoảng 25-30%/năm. Nếu trừ đi khoản phải trả ngân hàng 22-23%, như vậy lãi ròng chỉ 5-7%/năm. Các DN nói rằng với mức lãi suất như trên, DN trở thành người làm không công.

Tạm dừng đầu tư mới

Ông Nguyễn Thanh Chánh nói rằng, trong bối cảnh "tứ bề thọ địch", DN chỉ còn cách tằn tiện, vén khéo. Tuy nhiên theo ông Lê Thúc Hoài, Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt May Thái Tuấn, từ nhiều năm nay việc tăng giá xảy ra liên tục, các giải pháp tiết kiệm hầu như cũng đã vận dụng hết, nên đến giờ đi tìm giải pháp mới không phải dễ dàng.

TIN LIÊN QUAN

Khoản tiết kiệm đầu tiên các DN chú ý là tiêu hao điện. Dệt Thái Tuấn bỏ ra chi phí để lắp đặt thiết bị tiêu hao điện thấp hơn. Các bóng đèn tiêu hao điện được thay bằng các bóng đèn cải tiến tiêu thụ lượng điện thấp. Các khoản chi phí quản lý không cần thiết được giảm bớt.

Ở Công ty Trường Thành, giờ cao điểm sử dụng điện công ty không làm việc mà chuyển sang giao ca, giải lao. Máy lạnh 9 giờ sáng mới được bật lên, 16 giờ tắt, và chỉ để 27˚C độ chứ không để 25˚C như trước. 

Trong cơ quan nối mạng LAN, nội dung bàn bạc công việc được sử dụng E-conferent, email. Các cuộc gọi điện thoại đều phải chuẩn bị trước nội dung và ghi ra giấy để rút ngắn thời gian gọi. Công ty có 4 chiếc ô tô, nay sử dụng 2 chiếc, lãnh đạo đi chung. 

Riêng bữa ăn không giảm mà lại tăng lên để đảm bảo năng suất lao động. Bữa ăn công nhân 8.000 đồng, quản lý 9.000 đồng. Công ty nhập máy móc năng suất cao để vừa tăng năng suất lao động vừa giảm điện tiêu thụ. Những sản phẩm kích thước nhỏ được thiết kế để tiết kiệm gỗ thừa, các khoản rất nhỏ khác như văn bản được tận dụng 2 mặt…

Ngoài các giải pháp tiết kiệm, các dự án đầu tư mới hầu như được các DN dừng lại.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường