Đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có công nghệ sản xuất sợi DTY cao filament từ hạt polyeste. Nhân dịp này, phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Đặng Triệu Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty.
Sản xuất sợi được xem là lĩnh vực khó khăn, đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm… vì sao công ty quyết định đầu tư vào lĩnh vực này?
- Ngành dệt may Việt Nam phát triển rất nhanh nhưng phần lớn nguyên phụ liệu còn phụ thuộc vào nước ngoài nên hiệu quả chưa cao. Đầu tư vào lĩnh vực này, nhiều người cho rằng chúng tôi mạo hiểm nhưng tôi lại tin rằng đây là cơ hội lớn. Công nghệ sản xuất trong ngành dệt được chia thành hai loại: Công nghệ sản xuất xơ ngắn và công nghệ sản xuất xơ dài. Sản xuất xơ dài đòi hỏi vốn lớn, công nghệ và kỹ thuật cao nên doanh nghiệp ít đầu tư, chủ yếu đầu tư theo công nghệ sản xuất xơ ngắn. Chúng tôi chọn công nghệ sản xuất xơ dài để đầu tư vì nhu cầu sử dụng xơ dài ở trong nước và thế giới đang gia tăng. Ở trong nước, tỷ lệ sử dụng xơ dài đã tăng lên khoảng 50%, dự báo nhu cầu sử dụng xơ dài sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Trước khi đầu tư xây dựng nhà máy, chúng tôi đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối sợi, có lượng khách hàng lớn, ổn định. Năm 2000, mỗi tháng chúng tôi nhập khẩu và phân phối hơn 1.000 tấn sợi DTY cho các nhà máy dệt. Nhà máy mà chúng tôi đầu tư ban đầu công suất 500 tấn/tháng, từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến nay luôn hoạt động hết công suất. Điều đó cho thấy định hướng đầu tư của chúng tôi là hoàn toàn đúng. Thêm vào đó, do có mối quan hệ tốt với khách hàng, chúng tôi có nguồn chuyên gia nước ngoài giỏi, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ kỹ thuật lâu dài cho công ty.
Tuy nhiên, là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào công nghệ mới này nên lúc đầu công ty cũng gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực do cán bộ kỹ thuật phải đào tạo từ đầu.So với sợi nhập khẩu, sản phẩm của công ty có ưu thế gì, thưa ông?
- Trước hết là chất lượng. Nhà máy được đầu tư một cách đồng bộ với thiết bị hiện đại, tự động hoá cao. Quy trình sản xuất được kiểm soát một cách chặt chẽ, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao hơn nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Đài Loan, có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng, kể cả các yêu cầu cao nhất để sản xuất quần áo thể thao của hãng Nike, Adidas. Tiếp theo là giá cả luôn thấp hơn giá nhập khẩu khoảng 4-5%, với thời gian giao hàng nhanh nhất cùng các dịch vụ hậu mãi khác.
Ông dự báo gì về nhu cầu sản phẩm này trong thời gian tới. Định hướng chiến lược của công ty như thế nào?
- Cùng với xu hướng phát triển của thế giới, ngành dệt may Việt Nam đang chuyển từ sử dụng xơ ngắn sang xơ dài. Hiện Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn DTY/năm và sẽ gia tăng trong thời gian tới (khoảng 30-40%/năm). Triển vọng của thị trường là rất lớn. Mặt khác, theo nhận định của chúng tôi, môi trường đầu tư trong nước sẽ tiếp tục thuận lợi cho ngành sản xuất sợi, ít nhất trong 10-15 năm tới. Vì thế, công ty sẽ tăng cường đầu tư thiết bị và công nghệ hiện đại, cải tiến và nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng, năng động hơn trong kinh doanh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Năm 2008, kế hoạch của công ty là sản xuất và tiêu thụ 12.500 tấn sản phẩm, doanh thu 400 tỷ đồng, lợi nhuận 24 tỷ đồng. Công ty đang chuẩn bị các thủ tục để có thể đưa cổ phiếu của công ty niêm yết trên sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong quý IV/2008. Về đầu tư, từ nay đến năm 2010, công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm một nhà máy với tổng vốn đầu tư 38 triệu USD, công suất 14.400 tấn POY/năm và 14.400 tấn DTY/năm, để nâng tổng sản lượng sợi DTY của công ty lên 28.800 tấn/năm, đầu tư sản xuất thêm sản phẩm FDY với sản lượng 5.000 tấn /năm. Từ năm 2010-2012, công ty tiếp tục đầu tư để nâng tổng công suất lên 60.000 tấn sản phẩm POY và DTY/năm, 10.000 tấn sản phẩm FDY/năm. Đồng thời hướng nguồn lực chuyên gia nước ngoài vào nghiên cứu các sản phẩm sợi mới như Full Dull, Cool Dry, anti-odor, chống cháy, chống vi khuẩn, chống tia hồng ngoại và phát triển mạng lưới kinh doanh tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu của công ty là trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực và thế giới trong tương lai không xa.
Xin cảm ơn ông!
Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ tiền thân là Công ty TNHH sản xuất – thương mại Thế Kỷ được thành lập năm 2000. Tháng 4/2005, công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Năm 2000, công ty đầu tư 5 dây chuyền sản xuất sợi DTY filamemt chất lượng cao (High filamemt draw textured yarn) tại KCN Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM). Tính đến năm 2006, công ty đã đầu tư 80 tỷ đồng vào nhà máy sản xuất sợi DTY và nâng công suất lên 9.600T/năm. Tháng 7/2007, công ty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư mở rộng nhà máy với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Nhà máy được trang bị hệ thống dây chuyền hiện đại nhập từ hãng Oerlikon Barmag (Cộng hoà Liên bang Đức). Nguyên liệu đầu vào là hạt polyester, sản phẩm đầu ra là xơ POY (Partially oriented yarn) với công suất 14.400tấn/năm và sợi DTY công suất 5.760 tấn/năm. |