Cũng theo bà Phạm Chi Lan, ngay cả với doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, phải đi vay vốn ngân hàng với lãi suất cao đã gặp khó khăn lớn. Còn với riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất cho vay cao không biết sẽ có thể gây ra hậu quả đến đâu.
Cho vay dễ - Trả lãi mới khó
+ Việc bỏ trần lãi suất theo bà sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại?
- Trước đây, do lãi suất thấp các ngân hàng phải kiềm chế cho vay vì lo hiệu quả kinh doanh thấp. Chính phủ cũng có chính sách thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát khiến các ngân hàng càng hạn chế cho vay hơn. Nay chính sách về lãi suất đã được điều chỉnh theo hướng tự chủ, ngân hàng được tự quyết sẽ tạo “chỗ mở” để cho các tổ chức tín dụng này huy động vốn tốt hơn. Mà một khi đã có nhiều vốn thì việc ngân hàng cho các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn cũng sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, cái khó là lãi suất cho vay cao sẽ khiến các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Họ biết làm gì ra nổi tiền để trả ngân hàng, kinh doanh gì cho hiệu quả, nhất là trong bối cảnh giá nhiều đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong khi giá bán ra, giá xuất khẩu đều không tăng tương ứng.
+ Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất cơ bản VND mới, nhiều doanh nghiệp đã than thở họ sẽ phải gồng mình để trả đủ lãi ngân hàng trong bối cảnh giá cả leo thang, làm ăn cực kỳ khó khăn. Bà nghĩ sao về những tác động này?
- Việc tăng lãi suất lên là tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế của ta hiện nay. Không thể “kìm” lãi suất thấp mãi được khi giá cả hầu hết các hàng hoá, dịch vụ đều tăng cao. Lãi suất “âm” thì ngân hàng không thể thu tiền về được. Mà không huy động vốn được thì cũng không cho doanh nghiệp vay được.
Tuy nhiên, đừng nghĩ lãi suất được “thả” là tốt cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế để không cần có giải pháp gì thêm hỗ trợ. Do vậy, tôi cho cùng với chính sách lãi suất, ngay từ bây giờ chúng ta cũng phải “gỡ” cho doanh nghiệp nhiều cái khác nữa để họ vượt qua khó khăn do biến động lãi suất tăng lên.
Doanh nghiệp khó làm ăn hiệu quả nếu lạm phát còn tăng mạnh
+ Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay cao cũng sẽ giúp thanh lọc những doanh nghiệp làm ăn kém, những dự án kém hiệu quả, giúp nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn. Bà nghĩ sao về điều này?
- Nói “hiệu quả” bây giờ là rất khó với tất cả các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đang rất khó tính bài toán kinh doanh lúc này khi mà mọi thứ đầu vào-đầu ra đều bấp bênh, khó dự báo. Nhất là sau tháng 6 tới không biết Chính phủ có tiếp tục kiềm chế giá cả nhiều mặt hàng, ổn định lạm phát được nữa hay không? Ngay doanh nghiệp lớn, tốt cũng không thể tính được hiệu quả nữa là các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn và yếu sức.
+ Vậy bà có lời khuyên gì với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời điểm này?
- Theo tôi, ngoài điều hành lãi suất, Nhà nước phải ổn định nền kinh tế vĩ mô càng sớm càng tốt. Vấn đề đau đầu nhất của doanh nghiệp hiện nay là làm sao Chính phủ điều hành để cho giá cả đừng tăng. Khi kiềm chế được lạm phát, giá cả thì lãi suất sẽ ổn định trở lại và doanh nghiệp theo đó sẽ đỡ khổ hơn rất nhiều.
Các doanh nghiệp đang nóng lòng xem những chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ đi vào cuộc sống như thế nào. Song đến giờ họ vẫn thất vọng nhiều cái, như Chính phủ yêu cầu tiết kiệm, giảm chi tiêu công, đầu tư công nhưng hiệu quả không đáng kể. Lạm phát hiện nay khó kiểm soát bắt nguồn từ nguyên nhân chính là kiểm soát chi tiêu và đầu tư công kém, cái này còn tiếp tục không hiệu quả thì làm sao kiểm soát được giá cả và doanh nghiệp có môi trường tốt để làm ăn.
+ Xin cảm ơn bà!