Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường gỗ
25 | 07 | 2007
Thị trường gỗ của Trung Quốc, Nhật Bản và Anh
Thị trường gỗ Trung Quốc

- Giá gỗ dán Trung Quốc tại châu Âu có xu hướng tăng

Kế hoạch tăng giá bán tại thị trường châu Âu của các nhà sản xuất gỗ dán Trung Quốc đã được thông báo vào mùa thu năm ngoái, tuy nhiên việc thực hiện vẫn chỉ ở mức độ hạn chế. Cước phí vận tải biển tăng cao trong đầu năm 2007 đã gây áp lực và ép các nhà sản xuất gỗ dán Trung Quốc nâng giá bán sản phẩm. Hiện nay, giá gỗ dán thường loại 21 mm của Trung Quốc tại châu Âu đã tăng lên đạt bình quân 350-375 USD/m3, C& F.

Các khách mua châu Âu tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm gỗ dán của Trung Quốc để thay thế cho mặt hàng cùng loại của các nước khác do chất lượng rất khác nhau. Họ vẫn chưa thực sự chấp nhận sử dụng tấm gỗ dán bulô loại 4mm do Trung Quốc sản xuất để thay thế cho sản phẩm cùng loại của Indonesia. Nhu cầu về tấm gỗ dán loại 4mm làm từ các chủng loại gỗ cứng nhiệt đới tại châu Âu gần đây có xu hướng tăng nhẹ. Những sản phẩm này đang được chào bán tại châu Âu với mức giá 795-805 USD/m3, C&F.

- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu và đồ gỗ đều tăng trong năm 2006

Nhập khẩu gỗ súc của Trung Quốc năm 2006 ước đạt 32,15 triệu m3, trị giá 3,9 triệu USD, tăng tương ứng 9,5 % và 21% so với năm 2005, trong đó gỗ súc nhiệt đới đạt 7,74 triệu m3 (chiếm 24% tổng lượng gỗ súc nhập khẩu), tăng 4,3%. Những thị trường cung ứng gỗ súc chính của Trung Quốc năm 2006 là Nga (21,83 triệu m3, tăng 68% so với năm 2005), Papua New Guinea (2,05 triệu m3, tăng 6%), Malaysia (1,41 triệu m3, tăng 4%), Myanmar (1,03 triệu m3, tăng 3,2%) và Gabon (960.000 m3, tăng 3%).

Năm 2006, lượng gỗ xẻ nhập khẩu của Trung Quốc ước đạt 6,07 triệu m3, trị giá 1,7 tỷ USD, tăng tương ứng 1,6% và 12% so với năm 2005. Gỗ xẻ chủ yếu được Trung Quốc nhập khẩu từ Nga (1,17 triệu m3, tăng 19% so với năm 2005), Mỹ (1,02 triệu m3, tăng 17%), Thái Lan (710.000 m3, tăng 12%), Indonesia (450.000 m3, tăng 7%) và Canada (400.000 m3, tăng 6.5%).

Nhập khẩu gỗ dán của Trung Quốc đã có xu hướng suy giảm trong năm 2006, ước đạt 413.400 m3, trị giá 197 triệu USD, giảm tương ứng 30% và 29% so với năm 2005. Thị trường cung ứng gỗ dán chính của Trung Quốc năm 2006 phải kể đến Indonesia (225.000 m3) và Malaysia (116.000 m3). Hai thị trường này chiếm tới 82% lượng gỗ dán nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2006.

Kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ năm 2006 của Trung Quốc ước đạt 118 triệu USD, tăng 44% so với năm 2005.

- Xuất khẩu đồ gỗ và gỗ dán năm 2006 tăng mức kỷ lục

Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc tăng 39% so với năm 2005, đạt 8,78 tỷ USD. Đồ gỗ tiếp tục giữ vị trí là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ Trung Quốc khi chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường chính năm 2006 nhìn chung đều tăng lên, chẳng hạn như Mỹ (đạt 4,17 tỷ USD, tăng 47,5 % so với năm 2005), Hồng Kông (841 triệu USD, tăng 9,6%), Nhật Bản (595 triệu USD, tăng 6,8%), Anh (579 triệu USD, tăng 6,6%), Canađa (328 triệu USD, tăng 3,7%), Australia (300 triệu USD, tăng 3,4%) và Hàn Quốc (232 triệu USD, tăng 2,6%).

Xuất khẩu gỗ dán cũng có xu hướng tăng mạnh trong năm 2006 với 8,3 triệu m3, trị giá 2,9 tỷ USD, tăng tương ứng 49% và 55% so với năm 2005. Những thị trường tiêu thụ gỗ dán chính của Trung Quốc năm 2006 là Mỹ (đạt 2,18 triệu m3, tăng 26% so với năm 2005), Nhật Bản (631.400 m3, tăng 7.6%), Anh (539,500 m3, tăng 6,5%), Hàn Quốc (524.900 m3, tăng 6,3%), Các Tiểu Vương quốc Arập Thống Nhất (354.200 m3, tăng 4.3%) và Hồng Kông (247.300 m3, tăng 3%).

Xuất khẩu gỗ xẻ năm 2006 của Trung Quốc ước đạt 808.300 m3, trị giá 353 triệu USD, tăng tương ứng 30% và 27% so với năm 2005. Gỗ xẻ chủ yếu được xuất sang những thị trường chính như Nhật Bản (đạt 425.600 m3, tăng 53% so với năm 2005), Mỹ (113.600 m3, tăng 14%), Hàn Quốc (85.400 m3, tăng 11%), Đài Loan (41.600 m3, tăng 5 %), Việt Nam (31.700 m3, tăng 4%) và Hồng Kông (25.400 m3, tăng 3%).

- Xianghe và CCCE ký kết hợp đồng cung ứng đồ gỗ

Công ty đồ gỗ Xianghe và Trung tâm Trung-Âu (CCCE) đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược nhằm cung ứng đồ gỗ cho 400 nhà bán buôn và 6.000 cửa hàng bán lẻ tại thị trường châu Âu.

Được biết, Xianghe là một trong những nhà sản xuất đồ gỗ lớn nhất của Trung Quốc với 38 phòng giới thiệu sản phẩm và 2.300 cơ sở sản xuất trải dài từ tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồng Kông, Đài Loan, Bắc Kinh, Thiên Tân đến các tỉnh khác. Năm 2005, doanh thu của Xianghe ước đạt 3 tỷ NDT

(ITTO - Chinh)

Nhật Bản: giá gỗ dán giảm

bất chấp giá gỗ súc

nguyên liệu tăng

Giá gỗ súc Đông Nam Á (giá FOB) tại thị truờng Nhật Bản hiện nay vẫn vững ở mức cao do nguồn cung mặt hàng này trở nên hạn hẹp vào mùa mưa. Bất chấp điều này, giá gỗ dán cứng lại đang có xu hướng suy yếu. Các công ty sản xuất gỗ dán của Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng giá gỗ nguyên liệu tăng cao nhưng giá gỗ dán bán ra lại có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, sự giảm giá của đồng Yên so với các đồng ngoại tệ chính khác càng làm cho các nhà sản xuất gỗ dán Nhật Bản gặp khó khăn hơn. Trước tình hình này, các công ty sản xuất gỗ dán Nhật Bản đã tiến hành đàm phán với các nhà nhập khẩu gỗ súc để tìm ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, trước mắt các bên tham gia đàm phán đã không đạt được một thoả thuận chung về giá bán gỗ súc meranti.

Int - V.C

Anh: 56% lượng gỗ nhập khẩu được chứng nhận

Theo báo cáo của Liên đoàn Gỗ Anh (TTF), 56% lượng gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu của nước này năm 2005 đã được chứng nhận. Tuy nhiên, nhu cầu đối với gỗ nhập khẩu đã được chứng nhận tại thị trường Anh chỉ chiếm 10%.

TTF cho biết, tỷ lệ sản phẩm gỗ nhập khẩu được chứng nhận rất khác nhau. Lượng gỗ mềm nhập khẩu đã qua chứng nhận tại Anh ước chiếm khoảng 58% tổng lượng nhập khẩu, đạt 4,4 triệu m3. Trong khi đó, gỗ cứng nhập khẩu được chứng nhận chỉ đạt 11% mặc dù lượng nhập khẩu mặt hàng này ít hơn nhiều so với gỗ mềm. Điều này đã phản ánh tính đa dạng của nguồn cung gỗ của Anh song cũng cho thấy, tỷ lệ lượng gỗ nhập khẩu từ khu vực nhiệt đới đã qua chứng nhận là tương đối thấp. Lượng gỗ dán mềm và cứng đã được chứng nhận ước đạt lần lượt 46,5% và 23,8%. Đối với các sản phẩm gỗ panel khác, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều, chẳng hạn như panel OSB (đạt gần 100%) và MDF (88%).

Báo cáo của TTF cũng cho thấy, lượng gỗ FSC và PEFC nhập khẩu đã được chứng nhận đều chiếm 50%. Khoảng 36,5% lượng gỗ xẻ mềm nhập khẩu của Anh thuộc loại PEFC và 21,2 % là FSC. Tuy nhiên, phạm vi cung ứng sản phẩm FSC nhìn chung đa dạng hơn đôi chút so với PEFC. Bên cạnh đó, gỗ FSC hầu như chiếm lĩnh thị trường panel OSB và MDF tại Anh. Trong số các sản phẩm gỗ dán mềm, mặt hàng PEFC và FSC chiếm lần lượt 28,5% và 17% thị phần, trong khi CSA chỉ chiếm khoảng 1%. Đối với thị trường gỗ dán cứng, FSC vẫn ở vị trí hàng đầu, chiếm 8,9% thị phần, tiếp sau là mặt hàng gỗ PEFC và MTCC, lần lượt chiếm 7,9% và 7,1%.



Theo thị trường

Báo cáo phân tích thị trường