Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ẩn họa từ... cơm hộp
10 | 07 | 2007
Để giảm tối đa chi phí, hầu hết các cơ sở bán cơm hộp đều sử dụng nguồn thực phẩm gom từ các hàng ế chợ chiều. Khay, hộp đựng cơm chỉ được nhúng qua loa vào những chậu nước váng mỡ, đục ngầu để kịp quay vòng phục vụ khách...

"Trăm hoa đua nở"

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, các cơ sở kinh doanh cơm hộp đang nở rộ đến độ khó kiểm soát với nhiều mức giá khác nhau. Thông thường, mức giá thấp nhất là 5.000đ/hộp, cao cấp hơn thì khoảng 12.000-15.000 đồng /suất. Phổ biến nhất là loại cơm dưới 10.000 đồng /suất.

Nhưng đáng lo ngại là dù cao cấp hay bình dân, hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ cơm hộp đều không bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chúng tôi có mặt ở phố Nguyễn Quý Đức - con phố nhỏ nhưng tập trung hơn 10 cửa hàng cơm hộp - vào giờ ăn trưa. Cửa hàng nào cũng chật cứng, khách ra vào tấp nập.

Chúng tôi chọn cơ sở chế biến cơm hộp của chị N.T.Đ ở đầu phố làm điểm "tập kết chính". Quán cơm chỉ rộng có 25m2 mà gần hai chục người ngồi ăn trong đó. Giấy ăn vương vãi khắp từ trong bếp ra đến... cửa.

Chị Đ. Vừa bốc thức ăn để vào từng suất cơm hộp cho khách vừa giải thích: "Giấy ăn miễn phí nên khách hàng họ dùng vô tư lắm. Bình quân một ngày quán "ngốn" hết hàng chục cân giấy ăn. Tôi đã làm những giỏ rác nhỏ đặt dưới gầm bàn, nhưng không ai chịu bỏ giấy ăn vào".

Bước vào khu hậu trường chế biến thức ăn của cửa hàng chị Đ, chúng tôi mới thực sự... phát hoảng! Khu chế biến thức ăn lênh láng nước xà phòng, mỡ, rau, cơm... Thế mà trên thực tế đây lại là nơi mà hàng ngày làm chỗ chế biến ra hàng trăm suất cơm hộp để cung cấp ra thị trường.

Một sự tận dụng khác của chủ các cửa hàng cơm hộp là biến gầm cầu thang khu tập thể thành địa điểm kinh doanh. Gầm cầu thang tối om, ẩm thấp được mắc thêm mấy cái bóng điện, kê dãy bàn ghế và chừa ra một diện tích nhỏ để nấu nướng.

Chúng tôi có mặt tại gầm cầu thang khu tập thể C9A Nam Thành Công lúc 8h30 sáng ngày 3-11. Gầm khu tập thể rộng chừng 60m2 nhưng có tới 3 dãy hàng ăn: bún phở, xôi sáng, hàng cơm trưa.

Riêng hàng cơm đang tổ chức nấu nướng ngay dưới sân khu tập thể. Trong vai một người khách đến tham khảo giá để đặt cơm cho công ty, tôi có dịp quan sát toàn bộ quy trình sơ chế, nấu nướng của cơ sở này. Thịt, cá, rau, mỡ... đều được đặt ngay trên một tấm nilon trải xuống đất.

Thế nhưng, cô chủ cửa hàng vẫn khẳng định: "cửa hàng đảm bảo chất lượng thực phẩm. Nhất là hộp cơm được làm bằng giấy xốp, dùng một lần là bỏ luôn nên cứ yên tâm...".

Không dừng lại ở hình thức tận dụng diện tích công cộng như trên, các cửa hàng kinh doanh cơm hộp còn thành lập cả "đội ngũ đi rong". Nghĩa là, nhân viên cửa hàng sẽ mặc đồng phục, đi xe máy chở cơm đến từng công ty, cơ sở kinh doanh khác để tiếp thị cơm.

Các cửa hàng nghèo hơn thì cử nhân viên đạp xe, xách làn bán cho các sạp rau, sạp thịt... Chú Tình, chủ cửa hàng cơm bình dân kiêm cơm hộp ở ngõ 218 Trương Định bảo: "Đi xe đạp bán cơm hộp khổ lắm, có sung sướng gì đâu. Hàng cơm của mình nhỏ, chỉ bán cho các bà, các cô ở chợ. Còn các công sở thì là "đất" của hội xe máy cơ".

Điều này cũng được Nguyễn Văn Ninh, nhân viên cửa hàng 4U ở phố Điện Biên Phủ khẳng định: "Bọn em mặc đồng phục, đi xe máy giao cơm, bán cơm là do phục vụ chủ yếu cho nhân viên các công ty "máy lạnh". Một suất không dưới 15.000đ".

Nhưng chắc chắn, dù đi rong hay bán cơm tại chỗ, vệ sinh an toàn thực phẩm của cơm hộp vẫn là một ẩn họa khôn lường với người tiêu dùng.

Ẩn họa khôn lường

Một đặc diểm đáng lưu ý là hầu hết các cơ sở chế biến cơm hộp bình dân đều do từng hộ gia đình tự phát mở ra. Mỗi quán chỉ vỏn vẹn chừng vài ba chục mét vuông và nó được mở ra một cách sơ sài, vội vã, có những quán còn chiếm cả hè phố lòng đường để làm nơi kê bàn phục vụ cho các thượng đế.

Theo ước tính, hiện thành phố có hơn 15.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, song chưa có một cơ sở nào cung cấp cơm hộp theo dây chuyền công nghiệp, vì vậy cả một thị trường rộng lớn vẫn nằm trong tay các cửa hàng, quán ăn tư nhân.

Qua tìm hiểu, phần lớn các cơ sở cung cấp cơm hộp không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về vệ sinh. Để giảm tối đa chi phí, hầu hết các cơ sở này sử dụng nguồn thực phẩm kém tươi ngon. Thịt, cá... thường được gom từ các hàng ế chợ chiều với giá rẻ chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với hàng tươi sống.

Toàn bộ quy trình chế biến từ rửa rau, làm cá, vo gạo... đều theo kiểu đại khái cho xong. Khay, hộp đựng cơm chỉ được nhúng qua loa vào những chậu nước váng mỡ, đục ngầu để kịp quay vòng phục vụ khách.

Thực tế, các khay đựng cơm hộp hiện nay đều là sản phẩm gia công, sử dụng nhiều phẩm màu công nghiệp và được làm bằng vật liệu nhựa không bảo đảm tiêu chuẩn lý, hóa. Do không được rửa sạch và lau khô, nước trong các ngăn đựng thức ăn thường đọng lại và là mầm mống gây nên những bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Theo quy định của ngành y tế, cơm hộp là loại thực phẩm ăn ngay trong vòng 24 giờ nên không thuộc diện phải công bố chất lượng sản phẩm. Để bảo đảm an toàn, thức ăn phải vừa qua chế biến và không được để trong hộp quá 2 giờ. Nhưng trên thực tế, quy định này hầu hết đều bị các cơ sở cung cấp cơm hộp phớt lờ, thậm chí những người trực tiếp chế biến cũng không lường hết hậu quả từ những việc làm của họ.

Bởi thế, đã đến lúc, các cơ sở cơm hộp phải được sự quản lý chặt chẽ hơn để khách hàng không phải "nhắm mắt" hứng chịu tất cả.



(Theo Đời Sống và Pháp Luật)
Báo cáo phân tích thị trường