Nguồn tôm cá và các dải san hô ngầm cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu quá trình acid hoá làm thay đổi các thành phần căn bản trong chuỗi thức ăn.
Trong nghiên cứu "The Future Oceans — Warming Up, Rising High, Turning Sour" ( tạm dịch là tương lai đại dương nóng lên, dâng cao và chua gắt), giáo sư Rahmstorf cùng tám nhà khoa học khác cảnh báo rằng trái đất đang gặp phải những vấn đề tương tự như hiện tượng mưa acid của những năm 70,80 thế kỷ trước.
Giáo sư Rahmstorf cho rằng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ được quá trình acid hoá các đại dương.
Nhà khoa học David Santillo thuộc Trung tâm Nghiên cứu Greenpeace (Anh) cho rằng đây là một cú sốc cho giới nghiên cứu khi nguyên nhân gây ra sự acid hoá là carbon dioxit.
Ông nhận xét "Đây là lời cảnh báo đối với loài người, một số nguồn lợi từ biển mà chúng ta đang lệ thuộc vào có thể không còn tồn tại trong tương lai".
Ông Rahmstorf cũng nhấn mạnh lại rằng mực nước biển đang ngày một dâng cao do nhiệt độ trái đất tăng. Ông dự báo trong vòng 70 năm tới, nhiệt độ tăng sẽ làm tăng tần suất các cơn bão và có nguy cơ đẩy 200 triệu người vào cảnh lụt lội.
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình của trái đất tăng lên 1 độ C trong thế kỷ trước là do ảnh hưởng của khí CO, Metan và hiệu ứng nhà kính. Nguồn chủ yếu thải ra các khí trên là nhà máy điện, phương tiện giao thông và các loại máy chạy nhiên liệu khác.
Nghị định thư Kyoto (1997) yêu cầu 35 nước công nghiệp tới năm 2012 phải giảm lượng khí thải xuống 5% so với mức năm 1990.
Các nước tham gia nghị định thư vẫn đang tiếp tục nhóm họp ở Nairobi, để xem xét loại khí nào phải cắt giảm và lộ trình cắt giảm tới năm 2012.