Các giải pháp của đề tài khoa học này đưa ra chủ yếu là chuyển đổi đối tượng nuôi, phát huy vài trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nuôi và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng.Nuôi tôm trên cát ở tỉnh ta phát triển nhanh từ năm 2000, từ vài hecta ban đầu đến năm 2003 diện tích nuôi tôm trên cát đã tăng lên trên 100 hecta, Tuy nhiên, sau thời hoàng kim nghề nuôi tôm của tỉnh ta đã gặp nhiều khó khăn do môi trường ô nhiễm và tôm thường xuyên bị dịch bệnh như những vùng khác. Đặc biệt năm 2004 đã có đến 80% diện tích ao nuôi đã bị bệnh phân trắng và teo gan gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi tôm. Vì vậy đến năm 2005, diện tích nuôi tôm trên cát chỉ còn khoảng 30 hecta thả nuôi cầm chừng. Đối tượng nuôi thích hợp nhất cho vùng nuôi tôm trên cát hiện nay là tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, ao đìa nuôi tôm thẻ chân trắng tỉnh ta có khoảng 40 hecta và qua thu hoạch đạt năng suất bình quân 5 tấn/ha, lãi từ 60-120 triệu đồng/ha.
Nguyên nhân dẫn đến tôm bị dịch bệnh tràn làn trên vùng nuôi trên cát trước đây là do diện tích ao nuôi phát triển quá nhanh, nhưng cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo. Hơn nữa đa số các ao được nuôi theo mô hình công nghiệp, ít thay nước nhưng lại sử dụng nhiều hoá chất mang tính hủy diệt môi trường nên dễ phát sinh dịch bệnh, đặc biệt là bệnh phân trắng, teo gan. Do vậy, khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, cũng phải chú ý đến những điều kiện kỹ thuật kèm theo để đảm bảo tính bền vững cho đối tượng nuôi này.
Để hạn chế dịch bệnh, ngành Thủy sản đã nhân rộng mô hình tổ cộng đồng ở các địa phương xung quanh Đầm Nại. Thế nhưng, ở vùng nuôi trên cát với đặc thù là những ao nuôi biệt lập, hệ thống cấp và thoát nước được đầu tư riêng biệt, thì việc hình thành tổ cộng đồng không dễ thực hiện. Tuy nhiên trước yêu cầu giữ gìn môi trường nuôi bền vững và có hệ số an toàn cao khi chuyển sang nuôi tôm chân trắng thì việc hình thành nên những tổ cộng đồng là vấn đề cấp thiết hiện nay mà ngành Thủy sản cầm sớm có giải pháp để thực hiện.
Đối tượng chuyển đổi đã được xác định là tôm thẻ chân trắng nhưng để phát triển theo hướng bền vững thì cần thực hiện đồng bộ những giải pháp kèm theo. Người nuôi phải chú trọng việc chọn giống và quản lý tốt môi trường nuôi, hạn chế sử dụng các loại hoá chất có tác động xấu đến môi trường. Ngành Thủy sản và chính quyền các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm, đồng thời nhanh chống xây dựng các tổ nuôi tôm cộng đồng để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường chung.