Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su Nhật Bản: Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam
13 | 02 | 2009
Hàng năm, Nhật Bản nhập khoảng 2 tỷ USD cao su tự nhiên để phục vụ cho ngành công nghiệp ôtô. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nhập khẩu khoảng 550 triệu USD cao su tổng hợp và cao su hỗn hợp phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Nhật Bản hiện là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và EU.

Nhật Bản nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp để sản xuất lốp ôtô, các ngành hàng phục vụ tiêu dùng và sử dụng trong các ngành công nghiệp khác như: đế giày, dép cao su, găng tay cao su, ống cao su… Việc nhập khẩu cao su tự nhiên để sản xuất lốp xe ôtô phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch sản xuất và tiêu thụ xe ôtô của Nhật Bản. Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, 10 tháng năm 2008 số lượng ôtô tiêu thụ tại Nhật Bản chỉ đạt 4,4 triệu chiếc, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, giá mặt hàng cao su cũng bị tác động và giảm theo cùng với sự giảm giá của dầu thô.

Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu cao su từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Dự trữ cao su thô ở Nhật Bản tính tới ngày 20/11/2008 đã lên tới 7.300 tấn, tăng 38% so với chỉ 10 ngày trước đó. Tuy nhiên, mức dự trữ đó vẫn thấp hơn khoảng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam sang Nhật 10 tháng năm 2008 so với cùng kỳ năm trước, đạt 28,4 triệu USD, tăng 17,6%. Từ tháng 1-8/2008, cùng với việc giá dầu thô và nguyên liệu trên thế giới tăng cao, giá cao su tự nhiên cũng tăng đột biến. Mức giá giao dịch cao nhất tại Nhật đạt vào ngày 2/7/2008 là 351,9 yên/kg. Tuy nhiên, do giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới biến động cùng với tình hình khủng hoảng kinh tế lan rộng trên toàn cầu, giá giao dịch cao su tại thị trường Nhật Bản tháng 12/2008 giảm hơn 60% so với tháng 7/2008.

Thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Đức, Hoa Kỳ. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cao su tự nhiên SVR sang Nhật, khoảng 11-14 ngàn tấn/năm. Khối lượng cao su xuất khẩu sang Nhật còn rất nhỏ. Thị phần cao su xuất khẩu của Việt Nam tại Nhật chỉ đạt khoảng 1,4% với kim ngạch khá khiêm tốn, khoảng 30 triệu USD/năm. Việt Nam chưa xuất khẩu nhiều chủng loại cao su sang Nhật, chủ yếu là cao su khối SVR 3L. Trong khi Nhật chủ yếu nhập khẩu cao su ly tâm (RSS 3 và TSR 20) để sản xuất lốp ôtô thì Việt Nam lại xuất khẩu sang Nhật rất ít so với Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Thị trường cao su Nhật có mức tiêu thụ cao và ổn định, mức thuế đánh vào các DN xuất khẩu ở mức thấp nhất, chỉ là 0% - thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT. Nhưng người Nhật lại yêu cầu rất cao về chất lượng và thời gian giao hàng. Ngoài ra, sản phẩm phải đảm bảo không gây hại đến môi trường. Để làm ăn có uy tín và lâu dài với người Nhật, các công ty Việt Nam cần phải có định hướng kinh doanh lâu dài, kiên trì trong bước đầu lập mối quan hệ, năng lực sản xuất và chất lượng ổn định và luôn giữ uy tín trong kinh doanh. Thông thường, người Nhật rất thận trọng với lô hàng đầu tiên, nên thường đặt hàng với số lượng không lớn lắm, nhưng sẽ tăng dần sau đó nếu doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm cao su xuất khẩu vào thị trường Nhật, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tăng kim ngạch xuất khẩu.



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường