Sáng 20/11, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về gia nhập WTO Lương Văn Tự đã chủ trì cuộc họp giữa các bộ, ngành về công tác tuyên truyền WTO.
Nội dung cuộc họp do Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế chuẩn bị.
Trả lời báo giới sau khi cuộc họp kết thúc, Thứ trưởng Lương Văn Tự cho biết, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Chính phủ sẽ tổ chức 3 hội nghị lớn tại Hà Nội và Tp.HCM nhằm mục đích tuyên truyền việc gia nhập WTO của Việt Nam.
Mỗi hội nghị sẽ mời hàng trăm doanh nghiệp cũng như các hiệp hội ngành hàng tham gia, để nghe Đoàn đàm phán Chính phủ thông báo và giải thích về các nội dung cam kết của Việt Nam trong WTO, cũng như trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp về các nội dung có liên quan.
Theo Thứ trưởng Lương Văn Tự, thời kỳ hậu WTO, đội ngũ cán bộ quản lý phải chuyển cung cách quản lý sang phong cách mới.
Trước đây quản lý chủ yếu bằng mệnh lệnh, chỉ thị, can thiệp trực tiếp vào các doanh nghiệp, thì nay còn rất ít (chỉ còn những doanh nghiệp có vốn lớn của Nhà nước), hầu hết phải quản lý thông qua biện pháp gián tiếp như xây dựng pháp luật, chính sách và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện đó.
Thứ trưởng Lương Văn Tự cho biết, hiện nay Nhà nước đã và đang chuyển giao nhiều vai trò sang cho hiệp hội ngành hàng để bảo vệ ngành hàng, hợp tác liên kết để phát triển... Vai trò của hiệp hội, ngành hàng sẽ ngày càng quan trọng.
Theo lịch trình dự kiến, vào 18 giờ 30 ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển sẽ trình bày báo cáo gia nhập WTO của Chính phủ tại cuộc họp thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Trước đó, trong kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác chuẩn bị Báo cáo trình Chủ tịch nước và Quốc hội xem xét, phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO (Báo cáo), đã giao cho Bộ Thương mại chủ trì việc thực hiện Báo cáo này.
Bên cạnh Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu làm rõ thêm tác động về chính trị, an ninh, kinh tế (đặc biệt tác động đối với điều hành kinh tế vĩ mô, đối với công nghiệp, nông nghiệp và nông dân, tác động đối với thu ngân sách), tác động về mặt xã hội, danh mục các cam kết khác với quy định của pháp luật hiện hành, dự kiến các công việc phải triển khai sắp tới và nêu những vấn đề cần được Quốc hội xem xét, giải quyết.
Báo cáo cũng cần trình bày rõ các quy định của pháp luật về thủ tục đàm phán, ký kết và phê duyệt các cam kết quốc tế, nhưng do tình hình thực tiễn khách quan nên có thể chưa thực hiện được đầy đủ, để Quốc hội biết, có những linh hoạt cần thiết trong quá trình xem xét phê duyệt kết quả đàm phán và nghị định thư gia nhập WTO
Nội dung báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội sẽ là cơ sở để tuyên truyền, giải thích cho nhân dân về các cam kết gia nhập WTO, sau khi được Quốc hội thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Thương mại thay mặt Chính phủ đọc báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội và giải trình các nội dung liên quan đến WTO, trong phiên làm việc của Quốc hội về nội dung này, dự kiến diễn ra vào ngày 28/11 tới đây.