Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu thụ đã khó, còn khó thêm vì rào cản
30 | 10 | 2009
Hầu hết các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu như cá tra, tôm, hải sản đánh bắt liên tục sụt giảm trong những tháng gần đây, riêng cá tra là 14 – 20%.

Dù trong mùa mua sắm, nhiều doanh nghiệp thừa nhận, nhu cầu “ăn” hàng ở một số thị trường nhập khẩu như EU, Nhật, Nga, Trung Đông… khá ảm đạm.

Khách tham quan nước ngoài xem xét kỹ các mặt hàng thuỷ sản chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam tại triển lãm VietFish 2009. Ảnh: Lê Quang Nhật

Giảm giá lẫn đơn hàng

Ông Trần Văn Hải, giám đốc công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) cho rằng, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế vẫn còn tác động khá lớn đến nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản nên trong mùa ăn hàng cho dịp cuối năm đơn hàng xuất khẩu cá tra vẫn không tăng. “Trung bình mỗi tháng công ty xuất 50 container cá tra đi các thị trường, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Hải nói.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cá tra còn cho hay, những tháng còn lại cuối năm 2009 chỉ sản xuất theo đơn hàng cũ. Bà Trương Thị Lệ Khanh, giám đốc công ty Vĩnh Hoàn, nói: “Hầu hết thị trường vẫn chưa lấy lại đà tiêu thụ. Khách hàng không mua dự trữ nhiều như trước đây”.

Thị trường xuất khẩu chưa khả quan, giá xuất khẩu đang có xu hướng giảm mạnh, nên giá cá tra nguyên liệu loại một ở thời điểm này vẫn đứng ở mức 15.000đ/1 kg, xấp xỉ giá thành. Hiện giá một ký philê cá tra xuất đi châu Âu còn 2,7 USD, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và trong nhiều năm qua.

Mặc dù thời điểm này, người nuôi tôm đang phấn khởi do giá tôm nguyên liệu tăng 30% so với hồi đầu năm, nhưng chủ tịch hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) Trần Thiện Hải dự báo kim ngạch mặt hàng này năm nay khoảng 2,6 tỉ USD, giảm 20% so với năm 2008. Tính chung toàn ngành thuỷ sản, dự kiến năm nay sẽ giảm khoảng 300 triệu USD so với 4,5 tỉ của năm 2008.

Theo Vasep, chín tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 3,038 tỉ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2008. Mặt hàng suy giảm mạnh nhất là cá tra.

Thêm nhiều rào cản

Giám đốc công ty Thuận Phước (Đà Nẵng), ông Trần Văn Lĩnh cho hay, doanh số xuất khẩu thuỷ sản năm nay của đơn vị này đạt kế hoạch 32 triệu USD. Trong đó dù nhiều thị trường như EU, Mỹ, Trung Đông giảm mạnh nhưng Nhật Bản vẫn có đà tăng trưởng tốt, một phần nhờ hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật.

Với Nga, thị trường tiêu thụ cá tra chỉ đứng sau EU, mặc dù từ tháng 3 năm nay đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá tra, nhưng theo danh sách của Vasep, đến nay mới chỉ có 39 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất thuỷ sản sang thị trường Nga trong tổng số vài trăm doanh nghiệp. Điều này cho thấy, dù cánh cửa vào thị trường Nga đã mở nhưng không phải dễ đặt chân nếu doanh nghiệp không đủ sức vượt qua những rào cản kỹ thuật mà nước bạn đề ra.

Thêm vào đó, theo các quy định của uỷ ban châu Âu (EC), từ ngày 1.1.2010, tất cả lô hàng hải sản khai thác phải có chứng nhận về tính hợp pháp của sản phẩm, phải có chứng nhận tên tàu khai thác, vùng biển khai thác... mới được phép xuất vào thị trường EU. Trong khi đó, phương thức thu mua “truyền thống” của doanh nghiệp vẫn dựa vào chủ vựa, chưa vươn tới các ngư dân nên rất khó đáp ứng yều cầu EC. Một khó khăn khác đó là, tàu đánh bắt ngư dân Việt Nam hầu hết có công suất nhỏ, nên việc cập nhật số liệu sẽ không dễ như yêu cầu của EC.



Theo www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường