Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tràn ngập máy nông nghiệp ngoại
20 | 11 | 2009
AGROINFO - Nông nghiệp Việt Nam đang phát triển ngày một nhanh và mạnh. Tuy nhiên thị trường máy nông nghiệp trong nước thì chưa theo kịp, chưa đáp ứng nhu cầu của ngành nông nghiệp. Hiện nay, thị trường máy nông nghiệp trong nước tràn ngập máy nhập khẩu, hoặc nhập nguyên chiếc, hoặc nhập nguyên liệu, từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật, Đài Loan…

Máy ngoại chiếm lĩnh thị trường

Ông Nguyễn Văn Tài (45 tuổi), nông dân ở Long Mỹ, Hậu Giang bộc bạch: Do làm 3 vụ lúa trên diện tích gần 10ha đất, nên ông phải chi thuê máy cày, nhân công gặt lúa và máy tuốt, máy sấy…hàng năm lên tới vài chục triệu đồng. Sau vụ hè thu 2009 vừa rồi, nghe nhà nước có chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất (từ chương trình kích cầu nông nghiệp) để nông dân mua máy phục vụ sản xuất, ông Tài mừng rỡ chạy lên Cần Thơ lùng sục…Nhưng sau 3 chuyến đi về dài hàng trăm cây số, ông đã thất vọng vì các cửa hàng ở đây toàn bán hàng nhập khẩu, không có bóng dáng nào của chiếc máy cày “Made in Vietnam.

Để mua máy gặt đập liên hợp trong nước, có khi người dân phải đặt hàng trước từ 3 đến 6 tháng. Máy gặt đập liên hợp trong nước rất ít, không đủ đáp ứng đủ nhu cầu người dân.

Máy nông nghiệp ngoại tràn ngập thị trường
(Ảnh:hungyen.gov.vn)

Chỗ đứng nào cho máy nông nghiệp Việt?

Ông Phạm Hoàng Thắng, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Thắng, ở Ấp Tân Lợi 2, Thuận Hưng,Thốt Nốt, Cần Thơ chuyên cung cấp máy gặt đập liên hợp cho biết “Trong năm nay, lượng máy tiêu thụ ra thị trường tăng gấp đôi năm ngoái. Biết là người dân có nhu cầu, nhưng doanh nghiệp không đáp ứng nổi. Năm 2009, doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn 4%. Nhưng thủ tục rắc rối, thời gian cho vay ít, vừa mới ổn định cơ sở sản xuất đã phải tính chuyện hoàn vốn rồi. Thiếu vốn, nên rất khó cho doanh nghiệp để dầu tư, mở rộng sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường”. Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp để vay vốn. Với nhiều doanh nghiệp, dù mang thương hiệu là máy Việt Nam 100%, nhưng vẫn phải nhập đến 30% nguyên liệu từ Trung Quốc về lắp ráp, chủ yếu là các bộ phận vòng bi, bánh xích, bộ thuỷ lực và đầu máy.

Mặt khác, với các doanh nghiệp trong nước, thường có đặt hàng mới sản xuất vì năng lực về vốn hạn chế nên không thể sản xuất sẵn để chào bán ra thị trường. Các doanh nghiệp này hầu hết là người làm cơ khí có kinh nghiệm ở địa phương trưởng thành dần lên, hầu như không có ai được đào tạo về sản xuất máy thu hoạch lúa một cách bài bản.

Doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được cầu của người dân, thị trường tràn ngập máy nhập từ Trung Quốc, Nhật, Đài Loan, Thái Lan…

Ông Nguyễn Đình Long - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương cho biết: “Bộ Công Thương đang soạn thảo “đề án phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn”, dự kiến sẽ chính thức đệ trình Chính phủ vào cuối tháng 11 này. Theo đó, sẽ định hướng phát triển cơ khí, hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp…”

AGROINFO (Tổng hợp từ báo Nông thôn ngày nay, số ra 17/11/2009)



Báo cáo phân tích thị trường