Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Lật kèo” hợp đồng mua bán cá tra
11 | 07 | 2011
Nhiều hộ dù đã ký hợp đồng tiêu thụ cá tra với các DN xuất khẩu, nhưng đến khi thu hoạch vẫn bị DN “lật kèo” thông qua việc ép giá, ngưng mua và kéo dài thời hạn thanh toán.

Tình trạng này đang trở nên phổ biến, từ đó góp phần làm con cá tra càng trở nên khó tiêu thụ, giá sụt giảm thê thảm từ 29.000 đồng/kg xuống còn 24.000 đồng/kg, người nuôi càng thua lỗ nặng...

Ký hợp đồng rồi mất dạng

Tại An Giang, mới đây Công ty C.D. (Đồng Tháp) ký hợp đồng mua cá tra với nhiều nông dân, hẹn khoảng nửa tháng sau sẽ bắt cá. Thế nhưng khi thấy giá cá trên thị trường có dấu hiệu sụt giảm, DN này lần lữa không chịu mua. “Họ đến tận ao lấy mẫu thử đạt tiêu chuẩn rồi ký hợp đồng mua 80 tấn cá của tôi với giá 28.400 đồng/kg. Sau đó tự hạ giá xuống còn 26.500 đồng/kg. Tính ra thiệt gần 200 triệu đồng. Lúc đưa cá về nhà máy họ còn viện lý do này nọ để cấn trừ tiền đủ thứ” - ông Lạc Hồng Thắng, xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, bức xúc.

Tương tự, ngày 15-5 DN này ký hợp đồng tiêu thụ 210 tấn cá của ông Nguyễn Hữu Nguyên, huyện Châu Phú, giá 27.600 đồng/kg nhưng không chịu bắt cá. Gần cả tháng sau phải chuyển qua bán cho công ty khác, lúc giá thị trường chỉ còn 24.000 đồng/kg. “Công ty C.D. bảo cá bị nhiễm kháng sinh nên không mua. Trong khi đó mấy công ty khác thử thì không nhiễm. Phải chăng họ làm vậy để ép giá nông dân?” - ông Nguyên thắc mắc.

Ông Nguyên và gần chục hộ nuôi lân cận cho biết thêm cuối năm trước từng bán cá cho Công ty C.D., hợp đồng ghi rõ thời hạn thanh toán dứt điểm trong 30 ngày nhưng phải bốn tháng sau họ mới nhận đủ tiền. Trong khoảng thời gian đó bà con phải vay nóng, bán tài sản để trả nợ và lãi phạt của ngân hàng, cá lên giá nhưng không có tiền nuôi lại, đành bỏ ao không.

Gần đây, ngày 30-5 ông Phạm Văn Tắc, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, bán 100 tấn cá cho Công ty V.N. trị giá 2,6 tỉ đồng. Theo hợp đồng, sau khi bắt cá DN sẽ ứng 20%, tương đương 522 triệu đồng, số còn lại thanh toán sau bảy ngày nhưng đến nay ông Tắc mới nhận vỏn vẹn 240 triệu đồng.

Theo hiệp hội thủy sản các tỉnh, chuyện DN mua cá và thanh toán tiền không đúng cam kết khá phổ biến.

Điều khoản lập lờ

Phân tích những bản hợp đồng mua bán cá tra, nhiều luật gia cho rằng do DN tự soạn sẵn, không hề có sự tham gia bàn bạc với bên bán. Nội dung thường khá sơ sài, thiếu quy định về quyền và nghĩa vụ các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng. Một số điều khoản không rõ ràng, “chẳng hạn có hợp đồng không ghi thời điểm thanh toán cụ thể.

Còn lại hầu hết thường không có quy định bên mua phải đặt cọc, trả một khoản tiền trước nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng và có giá trị phạt khi không thực hiện hợp đồng. Do đó DN có thể lợi dụng để không mua cá, chậm trả tiền” - ông Lư Hỉ, phó chủ tịch Hội Luật gia An Giang, nhận định.

Ông Phan Ngọc Minh, giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh An Giang, dẫn chứng thêm ở điều khoản về quy cách phẩm chất của cá, trong các hợp đồng đều viết: “Tại thời điểm thu hoạch nếu bên A mua kiểm tra phát hiện cá có nhiễm kháng sinh, hóa chất cấm thì có quyền từ chối mua”, hay: “Trong quá trình chế biến (tại nhà máy) nếu phát hiện cá nhiễm bệnh, nhiễm ký sinh trùng thì bên mua sẽ tính tỉ lệ, quy ra khối lượng để trừ lại số cá bị bệnh”.

Theo ông Minh, DN có thể vin vào đấy để ép giá, cho là cá bệnh để cấn trừ tiền, gây thiệt hại cho bên bán. “Đáng lý ở khoản này phải quy định rõ: kết quả kiểm nghiệm, xác định tỉ lệ cá bệnh phải do một đơn vị độc lập thứ ba thực hiện. Như thế mới đảm bảo tính công bằng, khách quan” - ông Minh giải thích.

Theo hiệp hội thủy sản các tỉnh, dù biết hợp đồng mua bán do DN tự soạn thảo có điều khoản bất lợi nhưng nông dân vẫn chấp nhận đặt bút ký, bởi họ luôn có tâm lý miễn sao bán được cá. “Bà con luôn ở thế bị động cần bán cá, nếu đòi hỏi làm hợp đồng đúng theo luật thì chẳng DN nào mua” - ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản, phân tích.

Ông Dương Nghĩa Quốc - giám đốc Sở NN&PTNT kiêm chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp - cho biết UBND tỉnh Đồng Tháp từng giao hiệp hội lấy ý kiến soạn thảo rồi nhờ Sở Tư pháp thẩm định lại để đưa ra mẫu hợp đồng mua bán, hợp đồng liên kết nuôi cá tra giữa DN và nông dân.

Tuy nhiên sau đó các DN từ chối áp dụng, với lý do từng DN có hoạt động kinh doanh đặc thù. Theo ông Quốc, những hợp đồng do DN tự soạn ra hiện nay chưa phù hợp pháp luật. Do đó cơ quan chức năng, hiệp hội thủy sản mỗi tỉnh cần kiến nghị Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra thẩm định, yêu cầu DN phải chấn chỉnh để những hợp đồng mua bán đảm bảo tính công bằng, bảo vệ quyền lợi cho nông dân.

 

Khởi kiện khi DN vi phạm hợp đồng

Ông Phan Ngọc Minh cho biết hợp đồng mua bán cá tra là một dạng hợp đồng mua bán hàng hóa. Đối với những hợp đồng có ghi thời điểm bắt cá và thanh toán tiền cụ thể mà DN không thực hiện đúng như đã cam kết thì bị xem là vi phạm hợp đồng, nếu có cơ sở nông dân được quyền khởi kiện đòi DN bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và tòa án sẵn sàng thụ lý. Ông Lư Hỉ cho rằng sau khi DN trả đủ tiền và thanh lý xong hợp đồng, nếu thấy bị thiệt hại thì bên bán vẫn có quyền khởi kiện, bởi theo điều 427 Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là hai năm kể từ ngày xảy ra vi phạm hợp đồng.

Theo

Đức Vịnh
Tuổi trẻ


Báo cáo phân tích thị trường