Trợ giúp mua sản phẩm
Hiện nay, nước ta có nhiều đơn vị thuộc các thành phần kinh tế sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp, sản phẩm đa dạng gồm: phân vô cơ, hữu cơ, vi sinh, phân đơn, đa chất, phân chuyên dùng... Nhưng, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, cung ứng phân lân và phân đạm vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Thị trường phân lân và phân chứa lân đã xuất hiện yếu tố cạnh tranh ngày càng gia tăng. Các đơn vị sản xuất phân lân đã quan tâm thực hiện các giải pháp để tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm. Theo Tổng công ty Hóa chất, trong năm 2006, các đơn vị trong tổng công ty đã sản xuất 910 nghìn tấn su-pe lân, 445 nghìn tấn lân nung chảy, 1.569.600 tấn NPK, tăng từ 9% đến hơn 12% so với năm 2005, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Sáu tháng đầu năm, ngành đường sắt gặp khó khăn, không bảo đảm vận chuyển quặng a-pa-tít cho sản xuất, trong đó, Công ty Su-pe phốt phát và hóa chất Lâm Thao thiếu nghiêm trọng nguyên liệu, nhưng, trong những tháng cuối năm, có đủ quặng, các đơn vị tập trung đẩy mạnh sản xuất, nhờ vậy vẫn đạt mức kế hoạch đề ra.
Thiên tai, dịch bệnh, khô hạn, bão lũ, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đối với lúa, sâu đục rễ cây cà-phê... diễn ra trên diện rộng tại miền trung, Tây Nguyên, Nam Bộ, gây thiệt hại tài sản, mùa màng, làm cho đời sống bộ phận nông dân vốn đã khó khăn, càng khó khăn hơn. Các đơn vị của tổng công ty như: Công ty Phân bón Miền Nam, Phân lân nung chảy Văn Ðiển, Su-pe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đã xác định cụ thể các thiệt hại, gia hạn nợ tiền phân bón của phương thức bán hàng trả tiền sau, tiếp tục cung ứng phân bón cho nông dân, giúp họ vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Công ty Phân lân nung chảy Văn Ðiển đã nâng mức dư nợ tiền phân bón cho nông dân từ 30 tỷ lên 50 tỷ đồng, thời gian nợ từ hai tháng đến năm tháng, giữ ổn định giá bán phân bón trong điều kiện giá một số yếu tố đầu vào của sản xuất tăng.
Các đơn vị sản xuất phân bón đều đăng ký, công khai tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Tổng công ty Hóa chất sản xuất 170 nghìn tấn đạm u-rê, tăng hơn 5% so với năm 2005, Công ty Phân đạm và Hóa chất Phú Mỹ (Tổng công ty Dầu khí), công suất 740 nghìn tấn/năm, tiếp tục phát huy năng lực, sản xuất có sản phẩm dự trữ đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường trong nước, tham gia tích cực bình ổn giá trong việc nhập khẩu phân đạm bổ sung, cân đối cho sản xuất nông nghiệp. Ðến nay, sản lượng của các đơn vị trong nước sản xuất chiếm tỷ trọng 40% nhu cầu phân đạm của cả nước.
Ngành sản xuất máy nông nghiệp có bước phát triển mới. Bên cạnh các đơn vị chủ lực của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất, lắp ráp máy nông nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất. Nhiều loại máy làm đất, cắt lúa, thu hoạch, bảo quản, sơ chế nông phẩm được nhập khẩu, lắp ráp, thiết kế, chế tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp với những quy mô, đối tượng khác nhau. Ðáng chú ý là, nhiều nông dân, xuất phát từ nhu cầu thực tế, đã làm ra những máy sơ chế, chế biến nhỏ, máy làm đất, thu hoạch, gieo hạt mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều người hưởng ứng.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp chiếm 30% thị phần máy nông nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ các loại sản phẩm: máy xay xát, vòng bi, ru-lô cho máy xay xát, động cơ, máy kéo đạt sản lượng tăng từ hơn 4% đến hơn 138%. Ngoài ra, sản lượng động cơ, máy xay xát, ru-lô, phụ tùng động cơ xuất khẩu tăng từ 1% đến hơn 452% so với năm 2005. Tổng công ty tiếp tục mở rộng mạng lưới cung ứng, đại lý tiêu thụ, thực hiện các dịch vụ sau bán hàng như: Hướng dẫn sử dụng, bảo quản, bảo hành, cung ứng phụ tùng, sửa chữa máy, thiết bị theo yêu cầu...
Ba mươi tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân lãi suất vay vốn mua máy nông nghiệp. Nhiều địa phương có chương trình, cơ chế cụ thể về cơ giới hóa nông nghiệp, đưa máy vào các khâu của sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Nhờ đó, mỗi năm, hàng chục nghìn máy, thiết bị nông nghiệp đã đến tay nông dân, phục vụ đắc lực sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh Nghệ An, sau nhiều năm hỗ trợ nông dân lãi suất vay vốn mua máy làm đất, đã có chính sách hỗ trợ nông dân mua, lắp đặt máy sấy, máy thu hoạch lúa, thực sự có giá trị nâng cao năng suất lao động, tăng thêm vụ ba, thay thế nhiều lao động nông nghiệp chuyển sang làm việc tại các khu công nghiệp, các hoạt động dịch vụ.
Một số hạn chế
Một số lô hàng phân bón kém chất lượng do sản xuất, vận chuyển, bảo quản không được kiểm soát chặt chẽ, cẩn trọng đã được bán cho nông dân và đưa vào sản xuất gây nên những thiệt hại, làm giảm uy tín sản phẩm. Không ít công ty tư nhân không có chuyên môn kỹ thuật tham gia sản xuất phân bón, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, làm giả, nhái mác, bao bì, thương hiệu của những doanh nghiệp lớn. Một bộ phận nông dân ham giá rẻ, ít hiểu biết, thiếu thông tin đã mua phải phân bón kém chất lượng, chịu những thiệt hại không đáng có.
So với thu nhập thấp của nông dân, chi phí lớn của trồng trọt, thì giá phân bón bán đến người sử dụng vẫn còn cao. Nhiều chi phí bất hợp lý trong sản xuất, lưu thông chưa được giảm. Một số đơn vị thiếu hợp tác thông tin thị trường, có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến lãng phí chi phí trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều đơn vị sản xuất phân bón có sức cạnh tranh thấp, tại thị trường trong nước, có thời điểm, phân đạm nhập khẩu giá thấp lấn át thị phần. Có lúc chưa bám sát thực tiễn, một số đơn vị chậm chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu của nông dân từ sử dụng phân đơn sang phân đa yếu tố.
Chất lượng máy, thiết bị nông nghiệp chưa cao, độ bền không đều, không đồng bộ giữa các bộ phận, gây khó khăn, lãng phí cho người sử dụng, như một số phụ tùng nhanh hỏng lại phát sinh trong lúc tác nghiệp. Việc hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật vận hành máy cho nông dân nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, đầy đủ, dẫn đến sử dụng không an toàn, thiếu hiệu quả. Năng lực thiết kế hạn chế, không có nhiều chủng loại, gam máy thích hợp với những vùng đất, tập quán canh tác khác nhau, mang lại hiệu quả cao hơn. Khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế nông sản vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được đầu tư cơ giới hóa từ quy mô nhỏ đến lớn. Dẫn đến, hằng năm, trong lĩnh vực này đã lãng phí một lượng lớn nông sản với những giá trị không nhỏ.
Sức cạnh tranh của máy, động cơ, phụ tùng phục vụ sản xuất nông nghiệp do trong nước sản xuất còn hạn chế, giá cao so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số cơ sở làm phụ tùng, máy nông nghiệp kém chất lượng, nhái mẫu mã, thương hiệu chưa được ngăn chặn, xử lý, cùng với số lượng không ít nhập lậu, trốn thuế, đã gây khó khăn trong sản xuất, bất bình đẳng, không lành mạnh trong cạnh tranh. Thiếu sự hợp tác giữa các đơn vị nên hiệu quả sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp chưa cao, gây lãng phí trong đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ tầm, không tập trung. Chậm xây dựng thương hiệu mạnh, chưa chú trọng hình thành tập đoàn sản xuất máy nông nghiệp Việt Nam để tập trung nguồn lực nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp, tạo thế đứng vững trên thị trường.