Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi tôm hùm kết hợp tu hài: Hiệu quả kinh tế bền vững
29 | 07 | 2011
Vài năm trở lại đây, nhiều người dân ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã mạnh dạn đầu tư nuôi tu hài thương phẩm bằng lồng (khay) treo dưới bè ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, một số người còn kết hợp nuôi tu hài với tôm hùm trên cùng một bè nuôi, bước đầu cho giá trị kinh tế cao.

Hình thức nuôi trên có ưu điểm là không tốn chi phí đầu tư làm bè riêng mà chỉ cần gia cố bè nuôi tôm hùm có sẵn. Đây là phương thức nuôi sáng tạo của ngư dân Phú Yên trong điều kiện chưa có quy hoạch vùng nuôi riêng cho tu hài tại các đầm, vịnh. Với phương thức này, người nuôi thường treo khoảng 100 lồng (khay) tu hài vào bè nuôi tôm hùm sau khi đã được gia cố với số lượng tu hài giống từ 5.000 - 6.000 con.

Thực tế cho thấy, tu hài nuôi chung với tôm hùm phát triển nhanh hơn so với tu hài nuôi bằng bè riêng. Chỉ sau 10 - 11 tháng, tu hài đạt kích cỡ 50 con/kg trở lên và có thể thu hoạch, tỷ lệ sống đạt trên 90%, trong khi tu hài nuôi bằng bè riêng thì phải sau 13 - 14 tháng nuôi mới đạt kích cỡ 50 con/kg, tỷ lệ sống chỉ đạt 80 - 85%.

Mặt khác, tôm hùm nuôi chung với tu hài cũng nhanh lớn và ít bệnh hơn so với tôm hùm nuôi bằng bè riêng do dễ bị ô nhiễm hữu cơ cục bộ tại khu vực bè nuôi. Cùng với nguồn thu nhập từ tôm hùm, ngư dân nuôi theo hình thức này còn lãi ròng thêm khoảng 12 - 15 triệu đồng từ tiền bán tu hài.

Ưu điểm của mô hình là khi nuôi tu hài kết hợp tôm hùm trong cùng một bè là chất thải từ tôm hùm làm giàu mùn bã hữu cơ và sinh vật phù du, làm phong phú và dồi dào nguồn thức ăn tự nhiên cho tu hài, nhờ đó tu hài lớn nhanh. Đồng thời, quá trình lọc sinh học của tu hài cũng góp phần làm giảm lượng mùn bã hữu cơ và sinh vật phù du trong môi trường nước tại khu vực bè nuôi tôm hùm, nhờ vậy, môi trường nước được làm sạch, góp phần giảm thiểu nguồn lây bệnh đối với tôm hùm.

Gia cố bè nuôi tôm hùm bằng cách kết vào khung bè một khung rộng 0,5m bằng tre già hoặc bằng gỗ có đường kính 10 -15cm, chịu được sóng gió, kết thêm phao nâng bè bằng thùng phuy nhựa để giữ cho bè luôn nổi khi treo các lồng tu hài.

Lồng nuôi tu hài là lồng nhựa cỡ 50 x 35 x 30cm, đáy và thành lồng có các khe thông nước. Đáy có lót một lớp lưới, đổ cát và mảnh vụn vỏ nhuyễn thể vào lồng với độ dày 15 - 20cm. Lồng treo sát mặt nước (cho ngập cát xuống nước), tiến hành gieo giống lên mặt cát, mật độ từ 50-60 con/khay (từ 300 - 400 con/m2), sau đó phủ nắp lên, cố định nắp lồng và treo lồng quanh bè nuôi tôm hùm với độ sâu 3 -3,5m trở lên.

Mỗi tháng định kỳ kéo lồng nuôi lên 2 lần để kiểm tra, làm vệ sinh, loại bỏ hết vật lạ trong lồng, phát hiện xác tu hài chết và cát có màu đen thì phải thay toàn bộ cát trong lồng nuôi. Kiểm tra dây buộc và dây treo lồng để thay khi hư hỏng, loại bỏ các vật bám như hàu, hà gây hại cho lồng.

Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về khu vực nuôi nhiều làm độ mặn thay đổi thì thả dây treo lồng xuống sâu tới mức có thể hoặc di chuyển bè sang khu vực khác. Khi tu hài đạt trọng lượng 50 g/con trở lên thì tiến hành thu hoạch.

Theo Kinh tế Nông thôn



Báo cáo phân tích thị trường