Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bao nhiêu doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo là vừa?
12 | 10 | 2011
Tuy không thể đưa ra câu trả lời cụ thể về số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia vào xuất khẩu gạo sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng vấn đề không phải là con số bao nhiêu.
Theo các quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ- CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, hiện đã có 129 doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Một số doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp phép.
Trước tình hình doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu gạo tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng việc cấp phép nên dừng lại, nếu không các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh để xuất khẩu sẽ làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận.
Ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia về ngành hàng lúa gạo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho rằng: tinh thần của Nghị định 109 là muốn kiện toàn lại các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về tiềm lực tài chính, kho chứa, cơ sở xay xát.
Các quy định này nhằm hạn chế tình trạng trước đây một số doanh nghiệp chỉ tham gia gián tiếp vào xuất khẩu gạo như thu gom, đánh bóng gạo gặp lúc thị trường thuận lợi cũng trực tiếp tham gia ký kết hợp đồng xuất khẩu. Dẫn tới tình trạng tranh giành khách, hợp đồng xuất khẩu gạo ký ở mức giá thấp, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ông Tiến phân tích tiếp, khi đã có quy định, mà cơ quan chức năng lại ấn định về số lượng doanh nghiệp tham gia thì có vẻ không “sòng phẳng” lắm. Nếu doanh nghiệp thỏa mãn được các yêu cầu theo quy định họ phải được cấp giấy phép.
Trong kinh doanh, bao giờ doanh nghiệp chẳng muốn quanh mình tồn tại ít đối thủ. Nhưng xét ở góc độ thị trường, khi có nhiều nhà xuất khẩu, người sản xuất sẽ có nhiều cơ hội bán được sản phẩm với giá cạnh tranh.
Ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia về ngành hàng lúa gạo của Công ty Cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, cũng đồng tình rằng rất khó tính toán số doanh nghiệp tham gia bao nhiêu là hiệu quả nhất, dù mỗi năm nước ta xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo.
Vì vậy, theo ông Diệu vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là những doanh nghiệp được cấp phép có thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 109 hay không. Do đó, các bộ ngành rất cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu tại Nghị định. Ngoài ra, còn phải tái kiểm tra định kỳ để tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ “chạy vạy” để đáp ứng đủ các yêu cầu sau đó lại thôi.
TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại thì nhận định Nghị định 109 ra đời chắc chắn sẽ làm cho số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo từ 262 đơn vị giảm đi đáng kể. Nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp tục tham gia xuất khẩu cũng không phải là điều quan trọng.
Theo ông để thúc đẩy việc xuất khẩu gạo ngày càng hiệu quả hơn thì vai trò của VFA cần phải tăng cường hơn nữa trong công tác điều hành. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếu vi phạm các quy định đã được đưa ra cần phải có chế tài đủ mạnh để các doanh nghiệp khác không dám làm theo, có như thế mới xây dựng được công đồng kinh doanh gắn bó chặt chẽ không chỉ vì lợi ích của chính doanh nghiệp mà còn vì lợi ích chung của quốc gia.
Tính đến tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,9 triệu tấn gạo, trị giá trên 2,8 tỷ USD. Theo ước tính của VFA cả năm 2011, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, thu về trên 3 tỷ USD.
Hiện nay thị trường đang được đánh giá là có lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong 9 tháng qua, giá gạo xuất khẩu bình quân (giá FOB) đạt trên 520 USD/tấn, tăng khoảng 133 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, Phó thủ tướng Thái Lan Kittiratt Na-Ranong còn tuyên bố quốc gia này sẵn sàng từ bỏ vị trí số 1 về xuất khẩu gạo trên thế giới để nâng giá và tăng lợi tức cho nông dân. Và Việt Nam đang được xem như là ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu này.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường