Từ các số liệu biểu đồ, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,87% cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua (cùng kỳ của năm 2006 tăng 7,36%, của năm 2005 tăng 7,6% ...). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,5% đã đề ra và nếu đạt được tốc độ này thì đó cũng là tốc độ tăng cao nhất tính từ năm 1997 đến nay.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cả năm, 6 tháng cuối năm phải tăng lên 9,1%. Đó là tốc độ tăng khá cao trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, sản lượng dầu thô bị giảm, tăng trưởng điện thấp hơn các năm trước, chi phí đầu vào gia tăng.
Thứ hai, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do chi phí đầu vào tăng, thiên tai dịch bệnh xảy ra hoặc rình rập tác động đến cả trồng trọt, chăn nuôi... Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và nhóm ngành dịch vụ tăng trưởng cao hơn không những bù cho sự sút giảm của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản mà còn làm cho tốc độ tăng chung cao hơn.
Cũng nhờ vậy mà cơ cấu kinh tế cũng đã chuyển dịch theo hướng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và tỷ trọng dịch vụ tăng lên (cơ cấu GDP 6 tháng qua như sau: nông, lâm nghiệp - thủy sản 20,7%, công nghiệp - xây dựng 40,5%, dịch vụ 38,8%).
Với tỷ trọng lên tới gần 80% lại tăng với tốc độ cao gấp dưới 3 lần nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản, nên hai nhóm ngành trên đã trở thành động lực, đầu tầu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế còn có sự chuyển dịch theo hướng là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao hơn khu vực quốc doanh, khu vực tập thể và cá thể.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đầu vào và đầu ra.ở đầu vào, tổng vốn đầu tư thực hiện 6 tháng ước đạt 196,8 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 46,8% (giảm so với các năm trước), vốn ngoài Nhà nước chiếm 17,9%.
Vốn ngoài Nhà nước tăng mạnh. Vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục mới ở cả 3 nguồn: nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII); cả về đăng ký/cam kết, cả về thực hiện.ở đầu ra, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao (22,9%), nếu loại trừ yếu tố tăng giá bình quân 6 tháng này so với 6 tháng cùng kỳ năm trước (7%), thì vẫn còn tăng tới gần 15%, cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tiêu thụ trong nước đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế và có tác động mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao do cả 3 yếu tố: mức tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng, nhu cầu tiêu dùng ngày một đa dạng, phong phú và tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường ngày một tăng, chứng tỏ tính tự cấp, tự túc giảm, tính hàng hoá và tiếp cận với thị trường ngày một tăng.
Ở đầu ra, xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng khá và đều cao trên gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu hàng hoá tăng 19,4%, xuất khẩu dịch vụ tăng 17,2%).
Thứ tư, thời gian gia nhập WTO còn ngắn, tác động của việc gia nhập WTO chưa lớn, nhưng bước đầu đã góp phần tăng trưởng xuất khẩu cao của khu vực kinh tế trong nước, đầu tư nước ngoài gia tăng, nhất là đầu tư gián tiếp...
Nhưng có ba điều cần cảnh báo. Diễn biến thời tiết, dịch bệnh sẽ rất phức tạp, khó lường. Nhập siêu cả về hàng hoá và dịch vụ gia tăng. Giá tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ, cao hơn cả lãi suất huy động và nếu không được kiềm chế tốt thì cả năm sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và là năm thứ tư liên tiếp tăng cao.