Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam chưa có tập đoàn kinh tế đúng nghĩa
28 | 09 | 2007
8 tập đoàn kinh tế nhà nước do Chính phủ thí điểm thành lập và một loạt các DN tư nhân hình thành theo mô hình tập đoàn kinh tế nở rộ thời gian qua đang cho thấy xu thế liên kết phát triển để lớn mạnh, tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
 

Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của mô hình tập đoàn kinh tế (TĐKT) ở VN đang còn nhiều vấn đề phải bàn.

TĐKT không có tư cách pháp nhân

TS Trần Tiến Cường - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM) đưa ra một thông tin chưa hẳn đã nhiều người biết: TĐKT được định nghĩa như là một nhóm công ty có quy mô lớn liên kết với nhau một cách tự thân nhưng TĐKT không phải là một pháp nhân vì vậy cũng không phải đăng ký kinh doanh và không có con dấu riêng.

Theo Luật DN năm 2005 thì chỉ quy định 4 loại hình DN được phép thành lập (Công ty TNHH, Công ty CP, Công ty hợp doanh và DN tư nhân), không có loại hình TĐKT. Bằng thực tế hoạt động của các TĐKT được Chính phủ thành lập và sự hợp thành hữu cơ của các DN tư nhân theo mô hình tập đoàn, nhiều ý kiến không khỏi tỏ ra quan ngại.

TS Nguyễn Quang A cho rằng: So với mô hình TĐKT trên thế giới thì TĐKT ở VN chưa thể được công nhận do các yếu tố tự thân để hình thành (vốn, công nghệ quản lý, con người...) còn rất yếu ớt và ở trình độ thấp.

Bằng một quyết định hành chính, nhiều Tổng công ty nhà nước trở thành tập đoàn để cho "oai", nhưng vấn đề lại không nằm ở tên gọi. Một ví dụ chưa "ráo mực" được ông nêu ra là "hội chứng" các TĐKT quyết định thành lập ngân hàng riêng.

"Điều này chưa từng có tiền lệ trên thế giới và nếu có việc này phải cấm, đặc biệt là đối với các TĐKT nhà nước thành lập ngân hàng riêng, bởi khi đó nhà nước sẽ không thể kiểm soát nổi" - ông A nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN - cho rằng: TĐKT nhà nước lẽ ra phải lo tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn có thế mạnh thì mới phát huy được sức mạnh, tập hợp được nguồn lực, đằng này tập đoàn nào cũng chủ trương kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, đầu tư phân tán, dàn trải, có TĐKT đầu tư ngân hàng, sang cả lĩnh vực thể thao, giải trí... thì quả là lãng phí.

TĐKT tư nhân - tại sao không?

Trong khi các TĐKT nhà nước tỏ ra khá lúng túng và hoạt động kém hiệu quả do thực thi mệnh lệnh hành chính và đôi khi chỉ là những phép cộng cơ học thì các DN ngoài quốc doanh lại tỏ ra có ưu thế.

Ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom - cho hay: "DN ngoài quốc doanh là người hiểu hơn ai hết sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập và họ hoàn toàn có lợi thế hơn các DN nhà nước trong việc tự hoàn thiện để thích nghi, vấn đề là Nhà nước có chính sách khuyến khích thúc đẩy việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân ở VN hay không?".

Trên thực tế, dù không văn bản nào của Nhà nước công nhận thì các tập đoàn tư nhân như FPT, Đồng Tâm, Kinh Đô, Hoà Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Vincom, Trung Nguyên... đã hình thành và lớn mạnh.

Từ những xuất phát điểm là các công ty gia đình, đến nay các tập đoàn tư nhân kể trên đều có cổ phần chi phối lẫn nhau ở các công ty con, công ty liên kết, ngân hàng, đối tác chiến lược trong và ngoài nước với hàng ngàn cổ đông.

Ông Hiệp cho biết: "Vincom đang có kế hoạch thâu tóm các công ty khác ở ngoài nước trở thành một TĐKT đa quốc gia". Tuy thế, hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển của khối DN vẫn chưa rõ ràng. Mô hình "TĐKT tư nhân" vẫn chưa được luật pháp thừa nhận.

Ông Hiệp than thở: "DN vẫn tiếp tục bị "hành" trong việc xem xét cấp phép đầu tư, mở rộng hạng mục kinh doanh hay thành lập, mua bán, sáp nhập các công ty con... của các cơ quan công quyền... Vì vậy, thực chất vẫn là "bình mới rượu cũ". Các DN kiến nghị Chính phủ cần sớm có một nghị định về việc thành lập TĐKT tư nhân ở VN.



Theo dantri.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường