Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công nghiệp Lào Cai tiếp tục bứt phá nhờ những chính sách ưu đãi hợp lý
06 | 10 | 2007
Ngoài cụm công nghiệp Tằng Loỏng rộng trên 700 ha đã được lấp đầy trên 90% diện tích với tổ hợp các nhà máy tuyển quặng apatít, luyện đồng, cán thép, sản xuất phốtpho vàng, sản xuất phân NPK tổng hợp và nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp, đến hết tháng 9, Cụm công nghiệp Duyên Hải rộng 80 ha cũng đã bàn giao mặt bằng được trên 50 ha cho Ban quản lý các Cụm công nghiệp tỉnh Lào Cai.

Tại Cụm công nghiệp này đã có 36 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với diện tích lấp đầy chiếm khoảng 54%. Trong đó đứng đầu là các nhà đầu tư Trung Quốc, một số nhà đầu tư liên doanh với tổng số vốn 278 tỷ đồng. Các ngành nghề đăng ký chủ yếu là chế biến nông lâm sản, cơ khí lắp ráp, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm.

Ông Thái Bình Nguyên, Trưởng Ban quản lý các Cụm công ngghiệp cho biết: để lấp đầy diện tích trong Cụm công nghiệp này, Ban quản lý đã cố gắng giảm tối đa các thủ tục không cần thiết cho nhà đầu tư, đồng thời tham mưu cho tỉnh một số giải pháp tích cực nhằm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.

16 năm sau ngày tái lập tỉnh, công nghiệp Lào Cai đã có những bước tiến đáng kể, so với năm 1991, đến nay giá trị sản xuất đã tăng gấp 15 lần. Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng năm đạt bình quân 16%. Thế mạnh của công nghiệp Lào Cai là tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước. Chiến lược phát triển của ngành cũng được xây dựng theo hướng này, trong đó chú trọng đến việc đầu tư xây dựng một số dự án phát triển công nghiệp nhằm khai thác thế mạnh của địa phương như khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, nông lâm sản, dược liệu, phát triển thủy điện. Thời gian gần đây, ngành công nghiệp đã triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm như dự án đồng Sin Quyền, Dự án cụm Công nghiệp Tằng Loỏng, dự án liên doanh khai thác, chế biến quặng sắt Quý Sa, 3 nhà máy sản xuất phốt pho vàng 12 công trỉnh thủy điện với tổng công suất 230 MgW, đặc biệt là 3 cụm công nghệp Tằng Loỏng, đông Phố Mới và Bắc Duyên Hải đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 800 doanh nghiệp, 78 HTX tiểu thủ công nghiệp và hơn 5.000 hộ kinh doanh vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát triển điện đến 162/164 xã, nâng tỷ lệ sử dụng điện lên trên 80%. Trên cơ sở kết quả đạt được cũng như số doanh nghiệp sẽ đi vào hoạt động, năm nay công nghiệp Lào Cai phấn đấu đạt mức tăng trưởng 28%, cao hơn 2006 từ 5 đến 10%. Mục tiêu phân đấu đến năm 2010 của ngành công nghiệp Lào Cai là 2.200 tỷ đồng, chiếm 35% tỷ trọng trong GDP của tỉnh; 100% xã phường có điện lưới quốc gia, thêm 10 ngàn lao động có việc làm tập trung vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp, khoáng sản.

Để đạt được kết quả trên, Lào Cai đã và đang áp dụng các biện pháp đồng bộ: một mặt thu hút đầu tư, mặt khác chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực như chính sách ưu tiên đất đai, giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp với trên 80% diện tích giải phóng mặt bằng ở các cụm công nghiệp đã hoàn thành; tăng cường dạy nghề cho con em các dân tộc, nhất là những gia đình nhường đất cho mặt bằng công nghiệp để họ có việc làm, ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh nông thôn tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, bên cạnh đó chú ý tạo thương hiệu cho ngành công nghiệp địa phương trên cơ sở khai thác chế biến những tài nguyên khoáng sản sẵn có là vấn đề mấu chốt của công nghiệp Lào Cai trong thời hội nhập.



Theo thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường