Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá bán nông sản, thực phẩm tăng, thu nhập của nông dân có tăng?
06 | 10 | 2007
Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng liên tục tăng giá, trong đó, nông sản, thực phẩm được coi là những mặt hàng có mức tăng giá mạnh. Ðây là tín hiệu vui đối với bà con nông dân khi thu nhập của nhà nông được tăng theo. Song, thực tế mức thu nhập cũng như đời sống của đông đảo nông dân chưa được cải thiện. Hàng nông sản bán được giá...

Từ mờ sáng, chị Lê Thị Thanh xã Ðại Yên, Chương Mỹ (Hà Tây) tất tả đạp chiếc xe thồ chở đầy rau xanh hướng về phía Hà Nội. Thu nhập nuôi sống cả gia đình chị (hai vợ chồng với một đứa con đang đi học cao đẳng) chỉ trông vào ba sào rau. Thời gian gần đây, một số loại rau tăng giá, số tiền bán rau thu về cũng tăng đáng kể, thay vì 20 nghìn đồng/ngày, nay tăng lên từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/ngày.

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Ðông Dư (Gia Lâm, Hà Nội) Nguyễn Quang Huy cho biết, từ trung tuần tháng 8 trở lại đây là thời điểm giáp vụ, nhiều loại rau tăng giá mạnh, có loại tăng gấp hai lần so với trước đây như cải ngọt, cà chua, bắp cải.

Không chỉ có rau xanh, nhiều loại thực phẩm cũng tăng giá đến... chóng mặt, trong đó phải kể đến giá thịt lợn. Theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thanh Sơn, so với cùng kỳ, trung bình giá thịt lợn đã tăng tới 37-38%, giá thịt gà tăng 25%, thịt bò tăng 20-25%.

Anh Nguyễn Văn Sắc, chủ một trong 12 hộ chăn nuôi lợn tại khu chăn nuôi tập trung xứ đồng Sen (xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Tây) phấn khởi cho biết, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 3.500 đồng/kg so với cách đây 20 ngày (từ 24.000 đồng lên 27.500 đồng/kg). Ðây là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay, với mức giá này thì gia đình có thể thu lãi 500.000 đồng/con lợn thịt.

Ông Nguyễn Hữu Binh ở thôn Thượng (xã Ðông Dư, Gia Lâm, Hà Nội) vui mừng cho biết, bây giờ nuôi lợn là có lãi. Trước đây gia đình ông bán lợn chỉ lãi không quá 300.000 đồng/con, có thời điểm chỉ lãi từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/con, thậm chí lỗ vốn khi xuất hiện dịch lợn "tai xanh". Giờ thì khác rồi, một con lợn thịt khoảng 90 kg nuôi trong năm tháng, khi xuất chuồng, gia đình ông thu lãi 700.000 đồng.

Tương tự, thịt gà, thịt bò cũng tăng giá mạnh. Anh Ðôn Ðức Hùng, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Cầu Cải, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai (Hà Tây) cho biết, nếu như đầu năm, một kg gà thịt lãi 3.000-4.000 đồng thì nay có lãi khoảng 9.000-10.000 đồng.

Anh Hà Duy Cương ở xóm Hồng Thái 1 (xã Tân Cương, Thái Nguyên), cho biết: gia đình nuôi bò thịt, thời gian nuôi 8-10 tháng, đầu năm giá bán ba triệu đồng/con, nay tăng lên 3,5-4 triệu đồng/con.

... Nhưng các chi phí đầu vào tăng cao

Rõ ràng giá nông sản, thực phẩm tăng đã giúp người nông dân bán hàng thuận lợi, lãi thu về cao hơn so với thời điểm chưa tăng giá. Thế nhưng trên thực tế, chi phí sản xuất bỏ ra của nông dân cũng tăng theo tỷ lệ thuận với mức tăng giá thị trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua đã tăng tới 25-30%; do dịch bệnh, quy mô đàn giống giảm, cho nên giá con giống cũng tăng 28-30%, thậm chí có loại tăng tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hữu Binh (thôn Thượng, xã Ðông Dư, Gia Lâm, Hà Nội) than phiền, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Ðến nay, giá thức ăn hỗn hợp đã tăng thêm 20.000-30.000 đồng/bao (25 kg) so với đầu năm. Do giá tăng như vậy, cho nên mỗi lần nhập một xe cám (ba tấn), gia đình ông phải trả thêm 300.000 đồng. Lợn giống trước đây giá chỉ 350.000 đồng/con, nay đã tăng lên 450.000-500.000 đồng/con. Ðấy là chưa kể chi phí thuốc thú y, thuê nhân công. Với chi phí đầu vào cao cho nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi theo kiểu tận dụng thì mức độ lãi không đáng kể.

Gia đình chị Nguyễn Thị Bé, xã Ðông Dư, Gia Lâm (Hà Nội) tận dụng ngô của nhà trồng được và thức ăn thừa lấy trong xóm để nuôi ba con lợn, khi xuất chuồng chỉ lãi 300.000 đồng/con. "Nuôi lợn như đút tiền bỏ ống", chị Bé nói.

Không giống các hộ chăn nuôi, hộ trồng trọt lại gặp khó khăn về chi phí vật tư nông nghiệp. Anh Lê Văn Cầu ở thôn Phương Viên (xã Song Phượng, huyện Ðan Phượng, Hà Tây) cho biết, giá phân đạm u-rê tăng từ 4.200 đồng lên 5.500 đồng/kg, hạt giống cũng biến động, tăng 40.000-50.000 đồng/kg, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 35.000 đồng lên 38.000 đồng/gói.

Gía tăng giúp thu nhập của người nông dân tăng, nhưng cuộc sống của họ có được cải thiện?

Chị Nguyễn Thị Bé ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, mặc dù tiền bán rau có tăng lên, nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng đắt đỏ cho nên gia đình chị cũng chỉ đủ ăn, không dành dụm được khoản nào. Tiền dành đi chợ mua thức ăn hằng ngày cho gia đình gần 10.000 đồng/ngày, gạo không phải mua, nhưng kể tất cả các khoản đóng góp khác, chị phải chi gần một triệu đồng/tháng. Tiền dành cho đứa con gái đang học cao đẳng, chị phải vay họ hàng, làng xóm, rồi chờ đến khi bán lợn để trả nợ.

Cùng hoàn cảnh với chị Nguyễn Thị Bé, vợ chồng bác Nguyễn Văn Tự, thôn Ngô Soài (thị trấn Quốc Oai, Hà Tây) có bảy sào ruộng trồng lúa; mỗi sào thu được hơn 1,5 tạ thóc, vừa ăn vừa bán cũng chẳng còn bao nhiêu. Tiền dành đi chợ mua thức ăn, hai bác phải trông vào làm thuê chẻ lạt, đan quạt, đan nón với mức 8.000 đồng/ngày công.

Tiếng là giá thóc, gạo, hoa màu, giá bán con gà, con lợn và đến cả con bò đang tăng cao, nhưng thực tế, các gia đình nông dân thu về chẳng được bao nhiêu. Sản phẩm làm ra họ bán tại ruộng thấp hơn nhiều so với giá bán ở chợ.

Chủ nhiệm HTX Nguyễn Quang Huy lấy dẫn chứng: Một kg rau mùi tàu, người nông dân bán cho HTX với giá 5.000 đồng/kg. Sau đó, HTX bán cho các hộ bán buôn ở chợ đầu mối với giá 6.000-6.500 đồng/kg, từ đây bán lại cho những người bán lẻ 7.000-7.500 đồng/kg và khi đến người tiêu dùng ra chợ phải trả mỗi kg mùi tàu 9.000-9.500 đồng.

Tương tự, giá thịt lợn cũng như vậy. Người chăn nuôi bán lợn cho các lò mổ, khi lò mổ bán lại cho những người bán lẻ thì được lãi 20.000-30.000 đồng/con. Rồi người bán lẻ bán cho khách hàng lãi 100.000 đồng/con.

Giá hàng hóa nông sản, thực phẩm tăng là niềm vui đối với nông dân vì ở nông thôn thu nhập của người dân còn rất thấp và chỉ trông chờ vào mỗi sào ruộng; từng con gà, con lợn, con bò khi được bán ra khỏi nhà mình.

Thực tế trên cho thấy giá hàng hóa do nông dân làm ra đã tăng, nhưng chi phí đầu vào cho sản xuất cũng tăng tương ứng, cho nên thu nhập thực tế của người sản xuất còn rất thấp. Ấy là chưa kể nhiều tháng qua, một số mặt hàng thiết yếu tăng giá đã kéo theo mức thu nhập của các gia đình nông dân tụt xuống khi phải hằng ngày ra chợ mua sắm, rồi chi tiêu cho con cái học hành, chưa nói đến những việc lớn như làm nhà, dựng vợ, gả chồng... họ còn phải chịu thiệt một lần nữa.

Trợ giúp nông dân giảm chi phí

Có thể thấy rõ, sang những năm đầu của thế kỷ 21 này, chuyện làm ăn của các gia đình nông dân vẫn còn bấp bênh. Một trận mưa to cũng có thể khiến nhiều hộ trồng rau lao đao. Một đợt dịch bệnh gia súc, gia cầm cũng làm nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng. Mặc dù giá nông sản, thực phẩm tăng ở mức thuận cho việc tiêu thụ, nhưng cũng đông đảo nông dân lại đang chịu áp lực lớn qua việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng.

Hơn bao giờ hết, những hình thức hỗ trợ nông dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần cải thiện đời sống là rất cần thiết. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tây, Nguyễn Văn Chí cho rằng, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là thủ công; chi phí vật tư đầu vào chiếm phần lớn trong giá thành sản xuất lúa, trồng trọt, làm cho thu nhập của người nông dân chưa được cải thiện. Ðể giúp nông dân giảm giá thành sản phẩm, trung tâm đã hướng dẫn bà con phương pháp gieo thẳng lúa bằng giàn sạ kéo tay, trồng đậu tương bằng máy gieo hạt. Ðể giảm được công cấy, công nhổ mạ, rút ngắn thời gian cây sinh trưởng, giảm sâu bệnh, cho năng suất lúa cao hơn. Trung tâm đã mua 500 giàn sạ kéo tay nhằm cung cấp cho các địa phương để mở rộng sản xuất vụ xuân năm 2008. Các mô hình thâm canh lúa tổng hợp (SRI) và "ba giảm, ba tăng" được áp dụng ở nhiều tỉnh phía bắc và phía nam đã đáp ứng được yêu cầu giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả so với trước.

Trong chăn nuôi, để giảm chi phí thức ăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình tự chế biến thức ăn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung cấp máy trộn (hỗ trợ 40% giá máy), hướng dẫn công thức chế biến theo từng giai đoạn sinh trưởng và cung ứng nguyên liệu bổ sung như primex, bột cá; còn các hộ gia đình tự mua ngô, đỗ tương, gạo về chế biến lấy.

Chị Phan Thị Xuân, chủ một trang trại có 120 lợn nái ngoại (ở xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường) cho biết: "Dùng thức ăn tự chế đã giảm chi phí từ 700 đến 800 đồng/kg thức ăn, mà lợn vẫn lớn nhanh không thua kém các loại thức ăn hỗn hợp mua của các đơn vị sản xuất công nghiệp".

Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã đi đầu trong việc thực hiện các chính sách: hỗ trợ 100% thủy lợi phí cho nông dân, hỗ trợ vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa và xây dựng khu sản xuất tập trung.

Theo TS Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2007, ngân sách Nhà nước đã cấp 138 tỷ đồng (mức cao nhất từ trước đến nay) cho các chương trình khuyến nông; trong đó, kinh phí cho xây dựng mô hình chiếm 70%. Mô hình trồng lúa được trợ giúp từ 100 đến 300 triệu đồng, mô hình trồng rau an toàn: 100-200 triệu đồng. Tuy nhiên, những mô hình khuyến nông hiệu quả cũng chỉ là một trong những hình thức trợ giúp nông dân.

Phía trước, rất cần những cơ chế, chính sách trợ giúp thiết thực hơn nữa, mang dấu ấn sáng tạo của từng địa phương, nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và nâng dần mức sống.



Theo ND
Báo cáo phân tích thị trường