Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuỷ sản Việt Nam tiếp tục bị cảnh báo tại Nhật
29 | 10 | 2007
Theo Bộ Công thương, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết từ 5 đến 15/10 đã có 6 lô hàng thủy sản (gồm 5 lô tôm và 1 lô mực) của 5 công ty Việt Nam vi phạm Luật VSATTP của Nhật Bản. Phía Nhật đang yêu cầu trả lại cho nhà xuất khẩu hoặc hủy tại chỗ các lô hàng trên.

Hầu hết các lô hàng này đều vượt ngưỡng cho phép về dư lượng chất kháng sinh chloramphenicol.

5 công ty có lô hàng vi phạm gồm: Công ty Thương mại và thuỷ sản Thuận Phước; Công ty Thuỷ sản đông lạnh Quy Nhơn; Công ty XNK Thuỷ sản Cadovimex; Công ty Chế biến thuỷ sản Nha Trang và Công ty TNHH Hải Nam.

Bộ Công thương cảnh báo, mặc dù Nhật Bản rất quan tâm tới hiệu quả của các biện pháp khẩn cấp kiểm soát chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam theo Quyết định 06/2007/QĐ-BTS ngày 11/7, nhưng kể từ tháng 8, nếu số lượng lô hàng thủy sản vi phạm Luật VSATTP của Nhật không giảm thì Nhật Bản sẽ áp dụng lệnh tạm dừng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, những quy định khắt khe về VSATTP đã ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này. Xuất khẩu sang Nhật vẫn tiếp tục tình trạng tăng trưởng âm từ cuối năm 2006 đến nay.

9 tháng đầu năm, Nhật Bản nhập trên 525,6 triệu USD thuỷ sản của Việt Nam, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái và hiện chiếm 19,4% tổng kim ngạch thuỷ sản Việt Nam.

Xuất khẩu sang thị trường này giảm liên tục chủ yếu là do vấn đề VSATTP, mặc dù số lượng lô hàng và số DN bị vướng lô hàng đã giảm đi rất nhiều.

Tỷ trọng các lô hàng bị phát hiện giảm từ 4,6% trong 6 tháng cuối năm 2006, giảm còn 1,6% trong 6 tháng đầu năm 2007. Sang tháng 7/2007 chỉ còn 0,75% lô hàng (9/1.204 lô tôm và mực bị cảnh báo). Dự kiến tháng 8 khối lượng xuất khẩu tăng cao hơn, nhưng đến nay tỷ lệ lô bị nhiễm chỉ chiếm khoảng 0,5% (4 lô).

Song, Nhật Bản đã có nhiều động thái quay sang tìm kiếm nguồn cung cấp ở các nước khác (tăng cường mua tôm cỡ to, tôm giá trị gia tăng của Thái Lan và tôm nguyên liệu từ Ấn Độ và Indonesia...) nhằm thay thế tôm Việt Nam.

Tín hiệu khả quan là tháng 9 này, tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật Bản đã tăng nhẹ về giá trị (2,9%), chấm dứt gần 1 năm liên tục giảm ( mặc dù tổng xuất khẩu 9 tháng vẫn giảm 12,2%).



Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường