Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng sân bay quốc tế mới tại miền Bắc: Những đề xuất đầu tiên
20 | 08 | 2007
Trong hội thảo khoa học “Những vấn đề về nội dung và phương pháp quy hoạch đô thị” vừa được tổ chức tại Hải Dương, có khá nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đề xuất xây dựng mới cảng hàng không dân dụng quốc tế miền Bắc.

Đây là một vấn đề kinh tế lớn của đất nước rất cần các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý và nhiều cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu bàn thảo.

Sân bay Nội Bài xây dựng từ năm 1961 đến nay, qua nhiều thời kỳ và yêu cầu sử dụng đã từng bước mở rộng và nâng cấp để đáp ứng những cấp bách trước mắt. Vì sân bay không có một quy cách tổng thể nhất quán từ đầu đến sự mở rộng chỉ là những giải pháp tình thế tuỳ theo quan điểm và tầm nhìn (cũng như hạn chế về khả năng vốn đầu tư) của cơ quan chủ đầu tư.

Cảng mới - mũi nhọn phát triển kinh tế

Theo TS. Nguyễn Hoàn - Hội khoa học kinh tế Việt Nam - đề xuất xây dựng mới cảng hàng không dân dụng quốc tế miền Bắc Việt Nam của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam là một tư duy mới trong quy hoạch phát triển chiến lược. Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng không dân dụng quốc tế là trách nhiệm và nghĩa vụ không phải của riêng ai.

Đề xuất kiến nghị ngày 12/7/2006 đã rung lên hồi chuông thức tỉnh nhiều người đang say sưa với sân bay Nội Bài mới được cải tạo nâng cấp, chưa khai thác hết công suất và sân bay Cát Bi đã mở đường bay hai chiều với Ma Cao vào ngày 4/9/2006 và khoảng 30 hãng hàng không quốc tế tham gia đường bay với Việt Nam. Tương lai sẽ không phải là những gì mà chúng ta hình dung theo tư duy của quá khứ.

GS. TS. Lâm Quang Cường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng có ý kiến cho rằng vùng thủ đô Hà Nội cần có một cảng hàng không dân dụng quốc tế mới. Vùng thủ đô Hà Nội nằm trong hành lang kinh tế - giao thông của Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Hoa, Bắc Lào với các phương thức giao thông: đường sắt, đường bộ, đường sông, biển, hàng không. Sân bay quốc tế mới của vùng thủ đô Hà Nội là rất cần thiết, vừa cần thiết cho vùng kinh tế trong điểm phía Bắc và cả vùng Bắc Bộ.

Đầu tư quy mô lớn, xây dựng hiện đại

Theo một số ý kiến, vị trí của sân bay hợp lý nhất là ở phía Đông Nam vùng Thủ đô tại hành lang giao thông cao tốc đường bộ, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, sẽ rất thuận tiện cho cả Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Tại các vị trí khác đều không thuận tiện về nhiều mặt và kém hiệu quả.

Sân bay quốc tế Nội Bài cần được đầu tư quy mô lớn hơn, xây dựng hiện đại hơn, tránh đầu tư nhỏ giọt như trước đây. Cần có sự phân công chức năng rõ ràng cho các sân bay khác, trong đó có sân bay Miếu Môn phù hợp với chức năng quân sự hơn, sân bay Cát Bi (trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc) có thêm chức năng phục vụ cho một số đường bay quốc tế. Trước mắt cần có chủ trương của Nhà nước về sân bay quốc tế mới, sau đó cần xúc tiến việc xác định địa điểm và triển khai sớm công tác xây dựng đợt đầu.

Một số ý kiến nữa về tầm cỡ cảng hàng không quốc tế mới phải có định hướng chủ đạo về năng lực: lưu lượng hành khách 60-80 triệu khách/năm phát triển từng giai đoạn, hàng hoá 1,5-5 triệu tấn/năm. Phạm vi chiếm đất từ 3.000-4.000 ha. Cấp cảng hàng không: cấp 4F (tiêu chuẩn ICAO) với số lượng đường hạ cất cánh 2-3 đường. Nhà ga hàng không (hành khách) nhiều đơn nguyên, xây dựng phát triển theo từng thời kỳ, từ 10 triệu khách/năm đến khi đạt hết công suất của cảng hàng không. Vốn đầu tư: tổng số vốn khoảng 4-5 tỷ USD.

Việc xây dựng cảng hàng không quốc tế này cần có chủ trương và định hướng sớm để có thể dự báo cho quy hoạch cả một vùng để khỏi có những ảnh hưởng đáng tiếc sau này, cả ở dưới mặt đất lẫn không lưu vùng cảng hàng không, tạo điều kiện tuyệt đối an toàn cho hoạt động của máy bay và đời sống cư dân trong vùng.



(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường