Theo đó, có 1.644 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu chưa hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là giai đoạn II) và các xã được chia tách theo các Nghị định của Chính phủ vào diện đầu tư Chương trình này. Trong số này, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ đầu tư cho 1.581 xã và ngân sách địa phương đầu tư cho 63 xã. Đối với các xã chưa hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 còn lại do chia tách từ xã đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn I và do các địa phương đề nghị, Chính phủ sẽ được xem xét bổ sung vào diện đầu tư Chương trình 135 sau khi có kết quả phân định 3 khu vực. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định 163/2006/QĐ-TTg phê duyệt danh sách 671 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999-2005. Quyết định nêu rõ, đối tượng được tiếp tục thụ hưởng chính sách ưu tiên là những hộ nghèo, người thuộc hộ nghèo và những đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, công an đang công tác tại các xã đã hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn I cũng được hưởng chính sách ưu tiên đến hết năm 2008. Được biết, sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn I, hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đều thực hiện nguồn vốn có hiệu quả, phân bổ thành 5 thành phần: điện, đường, trường, trạm, thuỷ lợi. Trong đó, hiệu quả nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo quyết định của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký tháng 1/2006, Chương trình 135 giai đoạn II sẽ tập trung đầu tư vào 4 lĩnh vực: sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, dịch vụ và phương thức đầu tư sẽ không dàn trải mỗi xã 400-500 triệu như trước đây mà xã nào khó khăn nhiều sẽ đầu tư nhiều. Sẽ có nhiều người dân được hưởng lợi từ chương trình này hơn bởi việc đầu tư sẽ xuống tới tận thôn bản, chứ không dừng lại ở trung tâm xã như giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư cho Chương trình 135 giai đoạn II dự kiến sẽ là 12.000 tỷ đồng.
|