Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường nội bị “vây” tứ phía
04 | 08 | 2008
Với sản lượng giảm sút so với mùa trước, đường sản xuất trong nước đang bị đe dọa bởi đường ngoại nhập giá rẻ và lượng đường nhập lậu gia tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, tổng lượng đường sản xuất vụ 2007-2008 chỉ đạt 1.249 tấn, thấp hơn vụ trước 2.000 tấn. Cộng thêm với lượng đường tồn kho từ vụ trước (94.000 tấn) và 58.000 tấn đường nhập khẩu theo thỏa thuận, tổng lượng đường vẫn có khả năng đáp ứng gần đủ như cầu tiêu dùng đường trong nước. Song đáng nói là giá đường nhập ngoại rẻ hơn, cùng với lượng đường nhập lậu khá lớn khiến việc kinh doanh đường trong nước gặp nhiều khó khăn.

Theo “phàn nàn” từ Hiệp hội mía đường Việt Nam, do giá đường thế giới đang ở mức thấp, nên trong khi các loại nông sản khác đều tăng giá nhưng giá bán đường trong nước vẫn tăng không đáng kể.

Hiện giá bán đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại kho nhà máy trung bình ở mức 7.500-8.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp, với mức giá này việc đầu tư tái sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu của các nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, do chênh lệch khá lớn giữa giá bán thế giới và giá trong nước (bình quân 2.000 đồng/kg), khiến tình trạng buôn lậu đường với số lượng lớn gia tăng mạnh.

Sụt giảm sản lượng sản xuất, sức ép từ nhiều phía còn khiến lượng đường xuất ra của các nhà máy giảm sút khá đáng kể. Cụ thể, tổng lượng đường bán ra hàng tháng của các nhà máy trong tháng 5 và tháng 6 giảm khoảng 30.000 đến 50.000 tấn/tháng so với mức trung bình. Tính đến cuối tháng 6/2008, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường là 320.000 tấn.

Dân sẽ bỏ trồng mía?

Cũng theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của đường trong nước là đường nhập khẩu theo hạn ngạch cam kết WTO và AFTA, cộng thêm đường nhập lậu từ Thái Lan. Mối đe dọa này sẽ trở thành hiện thực nếu giá đường thế giới xuống mức quá thấp như hồi cuối năm 2007. Ngoài ra là việc các nước láng giềng như Thái Lan đang thực hiện chính sách giá đường xuất khẩu rẻ hơn giá đường trong nước, gây áp lực lớn tới đường Việt Nam.

Chi phí đầu vào tăng, song giá xuất ra vẫn giữ nguyên khiến nhiều người dân hoang mang (Ảnh minh họa)
Ông Đỗ Thành Liêm, Tổng giám đốc Công ty mía đường Khánh Hòa bày tỏ lo ngại: thời gian tới sẽ có nhiều yếu tố bất lợi về giá cả, nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, lãi suất cho vay và vốn đầu tư cho trồng mía. Trong khi đó, các loại nông sản khác như sắn, cao su, lúa… đều tăng giá tương đương đầu vào, khiến người trồng mía rất hoang mang khi mía không tăng giá. Dự đoán, vụ mía 2008-2009 tới, chất lượng và năng suất mía sẽ giảm vì dân không đầu tư nữa.

Theo kế hoạch, tới năm 2010, thì các nhà máy mới có thể hoạt động hết công suất. Song nguồn nguyên liệu hiện nay cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu của các nhà máy. Việc cải thiện năng suất mía đang được tiến hành trên cơ sở xây dựng các dự án phát triển giống mía năng suất, chất lượng cao giai đoạn 2006-2010. Mục tiêu của Bộ NN&PTNT là đến năm 2010, diện tích mía cả nước đạt 300.000ha, trong đó vùng nguyên liệu tập trung đạt 250.000 ha. Nếu kế hoạch này được đảm bảo, doanh nghiệp sản xuất đường sẽ không phải lo về nguồn nguyên liệu phập phù, kém chất lượng cũng như cạnh tranh thu mua nguyên liệu.

Tuy nhiên, nếu không giải quyết được bài toán về giá, về vốn cho người trồng mía, nguy cơ người dân không còn mặn mà với công việc này rất có thể sẽ thành sự thực trong tương lai gần!



Nguồn: toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường