Vậy Farm Bill 2008 ảnh hưởng đến những sản phẩm xuất khẩu nào? Mức độ ảnh hưởng đến đâu? Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú ý những điểm gì?
Đạo luật Nông nghiệp 2008 của Hoa Kỳ đã được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vào ngày 18/6/2008. Mang số hiệu H.R. 6124, Farm Bill 2008 có tên đầy đủ là “Đạo luật quy định về việc tiếp nối các chương trình nông nghiệp và các chương trình khác của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tới năm tài chính 2012, và quy định một số vấn đề khác”, tên ngắn gọn là “Đạo luật về Thức ăn, Bảo tồn, và Năng lượng năm 2008” (Food, Conservation, and Energy Act of 2008).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, phạm vi điều chỉnh của Farm Bill 2008 rất rộng, chắc chắn sẽ tác động nhiều tới các hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu các mặt hàng liên quan của Việt nam với thị trường Mỹ.
Các bộ, ngành liên quan phía Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ có hướng dẫn bằng văn bản các vấn đề của đạo luật này. Hiện nay, vẫn chưa thể đánh giá một cách đầy đủ ảnh hưởng và tác động của Farm Bill 2008 đến các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương có khuyến cáo một số điểm các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ và thủy sản sang Hoa Kỳ cần lưu ý.
Sản phẩm thực vật sẽ phải khai báo nguồn gốc xuất xứ
Đối với gỗ, sản phẩm gỗ và các sản phẩm có liên quan đến “thực vật”, Farm Bill 2008 đặt ra các quy định ngăn ngừa hoạt động đốn gỗ bất hợp pháp.
Cụ thể, mục 8204 quy định trong thương mại giữa các bang và với nước ngoài, cấm mọi hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển, mua bán bất kỳ thực vật nào được đốn hạ, thu hoạch, sở hữu, vận chuyển, hoặc mua bán trái với bất kỳ luật hoặc quy định của bất kỳ bang nào hoặc bất kỳ luật pháp nước ngoài nào về bảo vệ, quản lý thực vật hoặc về các loại thuế và phí liên quan đến việc khai thác thực vật.
Mặc dù phạm vi điều chỉnh của quy định này còn chưa được làm rõ, song với ngôn từ hiện nay, có thể cho rằng phạm vi điều chỉnh sẽ rất rộng, có thể bao gồm đồ nội thất (bằng gỗ, bìa…), đồ làm bếp có cán bằng gỗ, hàng may mặc với khuy gỗ, giấy và bìa, tăm và rất nhiều sản phẩm khác.
Điều khoản quy định này yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu xuất khẩu, cũng như trị giá xuất khẩu, giấy tờ khác có liên quan đến sản phẩm của các doanh nghiệp cung cấp cho các nhà nhập khẩu.
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần lưu giữ đầy đủ, chi tiết và khoa học các hồ sơ liên quan đến sản phẩm xuất khẩu (nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tên khoa học của nguồn nguyên liệu là thực vật, giá trị hàng nhập khẩu…).
Các nhà nhập khẩu sẽ phải thu thập những thông tin cần khai báo từ các nhà cung cấp/xuất khẩu và do đó các nhà xuất khẩu sẽ phải theo dõi, lưu giữ hồ sơ về những thông tin này một cách thường xuyên.
Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các yêu cầu khai báo hàng hóa xuất khẩu của Hải quan Hoa Kỳ, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu cấu thành sản phẩm.
Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ các luật lệ và quy định của các nước mà các doanh nghiệp khai thác hoặc mua nguyên liệu có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Mục 8204 và 3301 của Đạo luật nông nghiệp trình bày trên đây ở mục A, phần thứ nhất. Đặc biệt, là các quy định và chế tài về đốn hạ, thu hoạch gỗ và sản phẩm gỗ và các thực vật khác chứa trong sản phẩm xuất khẩu.
Để chuẩn bị đối phó với các vụ kiện có thể xảy ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu và rút kinh nghiệm một số trường hợp vi phạm của các nước xuất khẩu (như Trung Quốc…) khi xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ.
Cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, khai thác nguồn nguyên liệu cho sản phẩm xuất khẩu ổn định, bền vững và hợp pháp để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, Farm Bill 2008 cũng quy định riêng chương trình khai báo khi nhập khẩu một số loại gỗ xẻ mềm (mục 803). Chương trình này yêu cầu các nhà nhập khẩu gỗ xẻ mềm (gỗ xẻ từ cây lá kim) và các sản phẩm từ gỗ xẻ mềm cung cấp thông tin và khai báo nguồn gốc xuất xứ kèm theo tài liệu tóm tắt.
Với chương trình này, hai nước chịu ảnh hưởng lớn nhất là Canada và Trung Quốc, ngoài ra còn một số nước xuất khẩu gỗ ở Mỹ Latinh (Brazil, Mexico) và ở Đông Á (Indonesia, Malaysia, Đài Loan).
Các sản phẩm Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của chương trình được xuất sang Hoa Kỳ có kim ngạch khá khiêm tốn, nên có thể nói tác động đối với Việt Nam trước mắt là không lớn. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ là gần 40 triệu USD trong năm 2007.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định này cũng phải lưu ý đến nội dung khai báo như đã trình bày ở trên để có sự chuẩn bị, nếu trong tương lai Việt Nam có tham gia hiệp định liên quan với Hoa Kỳ.
Cá da trơn chú ý quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) có dự định đưa ra quy định mới thực thi Luật Nông nghiệp 2008, theo đó tất cả các loại cá thuộc chủng cá da trơn catfish nhập khẩu từ nước ngoài phải có chứng nhận về kỹ thuật chế biến. Quy trình sản xuất, chế độ kiểm tra chất lượng phải tương đương tiêu chuẩn hiện hành của Hoa Kỳ mà Bộ Nông nghiệp đang áp dụng.
Đặc biệt, về định nghĩa “các loại thuộc chủng cá da trơn (catfish), bộ này dự kiến sẽ bao gồm cả hai nhóm: Ictalurus và Pangasius (Ictalurus là loài cá da trơn có nguồn gốc từ khu vực Bắc Mỹ thuộc chủng Ictalurus và Pangasius là loài cá da trơn nhập khẩu từ nước ngoài).
Đây mới là dự kiến của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Việc xây dựng và ban hành văn bản quy định phải thực hiện theo quy trình và phải lấy ý kiến của công chúng.
Về phía các doanh nghiệp, cần theo dõi và nắm tình hình khi Hoa Kỳ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm đối với hàng nhập khẩu cá da trơn để có sự chuẩn bị cụ thể.
Ngoài ra, cũng cần chủ động từng bước chuẩn hóa các quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.
Farm Bill 2008 cũng chú ý đến việc sử dụng lao động trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo điều kiện lao động và sử dụng lao động không vi phạm quy định quốc tế về sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.