Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trước tình hình xuất khẩu thủy sản các thị trường châu Âu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước đã chủ động chuyển hướng sang các thị trường châu Á và các thị trường nhỏ hơn nên hạn chế được phần nào sự sụt giảm mạnh xuất khẩu.
So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến với tỉ lệ gần 200%, Singapore tăng 121%.
Theo Vasep, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước trong những ngày đầu năm có xu hướng giảm. Thể hiện sự đi xuống mạnh nhất về giá trị là ở các thị trường truyền thống như Mỹ giảm 31%, EU giảm hơn 18%, Canada giảm hơn 36%, Đài Loan gần 70%.
Các chuyên gia ngành thuỷ sản dự báo, tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng tới vẫn bị tác động bởi nhu cầu giảm ở các nước nhập khẩu chính do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn hy vọng vào các thị trường mới và các thị trường có nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Singaporre, Hàn Quốc.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Á, lãnh đạo Bộ khuyến cáo các doanh nghiệp chú trọng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tăng cường quản lý chất lượng và hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, đàm phán với các nước để giải quyết những khó khăn trong xuất khẩu...
Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hoạt động trở lại dù đang trong giai đoạn khan hiếm nguyên liệu. Nhiều nhà máy đã tăng giá mua tôm nguyên liệu lên khoảng 15%.
So với cùng thời điểm của năm 2008, giá tôm nguyên liệu hiện tăng gấp đôi. Tôm sú loại 20 con/kg tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng có giá 130.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 102.000 đồng/kg và 40 con/kg giá 80.000 đồng/kg. Tại các chợ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá tôm càng xanh loại 12-15 con/kg tăng từ 110.000 đồng lên 140.000 đồng/kg nhưng cung không đủ cầu.