Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nước nông nghiệp sao ồ ạt nhập nông sản?: Rau củ nội khốn đốn
27 | 01 | 2010
Người trồng rau củ ở nhiều địa phương trong cả nước đang gặp khó khăn khi giá nhiều loại rau giảm mạnh. Trong các nguyên nhân của tình trạng này, đáng nói nhất là sự lấn sân ngày càng mạnh của rau Trung Quốc.

Cà chua bỏ rục trên cây

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 24.000 ha canh tác rau củ, sản lượng khoảng 550.000 tấn/năm, trong đó 85% tiêu thụ nội địa. Rau Đà Lạt nổi tiếng vì đa dạng về chủng loại, giàu chất dinh dưỡng và hương vị, thế nhưng vẫn thường xuyên bị dội chợ. Hiện nông dân ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng khốn đốn vì rau, quả không bán được.

Một năm nhập 300 triệu USD rau, quả

Kim ngạch nhập khẩu rau, quả của VN trong năm 2009 đạt gần 300 triệu USD, tăng 40,3% so với năm trước. Trong đó nhiều nhất là từ Trung Quốc với trên 160 triệu USD, chiếm 59% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau, quả của cả nước. Chủng loại rau quả nhập khẩu cao là nấm, cà chua, ngô, cải, đậu Hà Lan, măng các loại… Tiếp đến là Thái Lan với kim ngạch nhập khẩu đạt gần 50 triệu USD. Ngoài rau, Thái Lan còn là thị trường cung cấp rất nhiều hoa và trái cây cho VN. (Q.T)

Anh Nguyễn Quốc Huy (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương) than thở: “Gần một tháng qua cà chua ở đây liên tục bị rớt giá. Có lúc giá bán tại vựa chỉ từ 300 - 700 đồng/kg, không đủ trả tiền nhân công nên hầu hết nhà vườn đều bỏ mặc cho cà chua chín rục trên ruộng”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Đơn Dương, mùa vụ này toàn huyện gieo trồng trên 3.500 ha cà chua, hiện có đến hàng ngàn tấn cà chua chín rục. Những nông hộ trồng xà lách và cải thảo cũng than trời khi giá bán 2 loại rau này chỉ từ

400 - 800 đồng/kg, nhiều nhà vườn đã nhổ bỏ hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Một bao cải thảo 45 kg chỉ bán được 15.000 - 20.000 đồng, không đủ công thu hoạch... Trong khi thời điểm này năm trước cà chua có giá 7.000 - 8.000 đồng/kg; xà lách, bắp cải có giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg...

Hàng Trung Quốc tràn ngập

Một tiểu thương tại chợ rau Đà Lạt cho biết: “Không hiểu tại sao mặt hàng gì của Trung Quốc cũng rẻ mạt. Rau củ Đà Lạt bán không được là do bị hàng Trung Quốc “đè”. Các vựa ở TP.HCM họ nhập hàng từ Trung Quốc về giá rẻ hơn nên có lúc quay lưng với rau Đà Lạt. Có những thời điểm cà rốt, rồi hành tây, khoai tây Đà Lạt không bán được vì không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc”.

Ông N.Đ.N, một chủ vựa ở chợ đầu mối Thủ Đức, nói: “Rau, quả Trung Quốc mẫu mã đẹp hơn, bắt mắt hơn, nhưng chất lượng không thể sánh bằng rau Đà Lạt. Do người tiêu dùng “háo sắc” và ham giá rẻ nên chọn mua hàng Trung Quốc thôi”.

Theo giới kinh doanh rau quả, một số thương lái đã nhập khoai tây Trung Quốc rồi chở thẳng lên Đà Lạt, thuê người “tẩm” đất đỏ của Đà Lạt rồi đưa ngược về TP.HCM và các tỉnh tiêu thụ. Họ còn trộn lẫn khoai Trung Quốc vào khoai Đà Lạt để bán giá cao hơn. Giá khoai tây Trung Quốc chỉ khoảng 5.500 - 6.000 đồng/kg, trong khi khoai tây Đà Lạt giá từ 16.000 - 20.000 đồng/kg. Thủ đoạn này đã bị cơ quan Quản lý thị trường Đà Lạt lật tẩy khoảng cuối năm 2009.

Khi bị phát hiện, tại chợ rau Đà Lạt có hơn 10 tấn khoai tây Trung Quốc đang được chuẩn bị nhuộm đất. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ vựa xuất trình giấy tờ chứng minh số khoai tây này nằm trong lô hàng 72 tấn có nguồn gốc từ Công ty TNHH Hòa Thuận ở Vân Nam (Trung Quốc), được Công ty TNHH Mai Phương ở Lào Cai nhập về, sau đó được chuyển đến các địa phương ở VN, trong đó có Đà Lạt để giả nhãn mác và tiêu thụ.

Bà T.B.T, một tiểu thương tại Đà Lạt, tiết lộ: “Cuối tháng 12.2009, khi đậu Hà Lan trồng tại Đà Lạt khan hiếm, giá tăng lên 60.000 - 70.000 đồng/kg, một số công ty đã nhập đậu Hà Lan Trung Quốc với giá rẻ về “cải trang” lại để bán. Tình trạng này làm mất uy tín rau Đà Lạt, vì đậu Trung Quốc chất lượng không thể sánh bằng đậu Đà Lạt được”.

Hiện giờ đang có tình trạng gừng Trung Quốc đang ào ạt đổ về để bán cho người tiêu dùng làm mứt tết. Gừng Trung Quốc củ to, đẹp nhưng lại ít cay, ít thơm, nhưng do giá rẻ nên vẫn bán được. Đây là “vị đắng” đối với những người trồng gừng ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà (Lâm Đồng) và nhiều tỉnh khác.

“Nông dân sao biết cạnh tranh?”

Huyện Chợ Mới (An Giang) một trong những địa phương trồng rau cải có tiếng ở ĐBSCL. Theo ông Đinh Ngọc Mãnh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, Chợ Mới có đến 30.000 ha trồng hành, hẹ, dưa leo, bầu, bí, rau ăn lá, cải bắp... mỗi ngày cung ứng ra thị trường từ 300 - 400 tấn.

Rau màu ở Chợ Mới được xuất bán khắp các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ, trong đó TP.HCM là thị trường tiêu thụ mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến An (trung tâm của nghề trồng rau Chợ Mới), tại xã có chợ đầu mối rau quả do Nhà nước xây dựng và có 6 điểm thu mua tập trung khác. Dù vậy, việc tiêu thụ nông sản vẫn bấp bênh. Trong hơn 3 tháng nay, giá hành chỉ còn 800 - 1.000 đồng/kg, giảm 70 - 80% so với trước.

Nhiều nông dân trồng hành, hẹ, cải làm dưa, cà chua... thua lỗ liên tiếp mấy vụ. Mới 2 tháng trước, giá hẹ giảm mạnh, nhiều nông dân phải cắt hẹ bỏ vì thương lái không chịu thu mua. Một số đầu mối cung cấp rau quả cho các thị trường lớn cho rằng, nông sản bị dội chợ do bị cạnh tranh bởi hàng ngoại. Bà Trần Thị Thu, một thương lái buôn hàng đi TP.HCM, nhận xét: “Sản phẩm của nông dân mình bị hàng ngoại cùng chủng loại cạnh tranh rất dữ”.

Tại các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long..., nông dân cũng đang khổ sở vì nông sản thường xuyên rớt giá. Ông Lý Sơn ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có 3 công rẫy chuyên trồng rau, trăn trở: "Giá phân bón, thuốc trừ sâu cứ tăng đều đều theo từng năm, từng tháng; trong khi đó sản phẩm làm ra không biết bán được bao nhiêu, lời lỗ thế nào. Thêm vào đó lại bị rau, củ, quả ngoại giá rẻ cạnh tranh làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Chúng tôi là nông dân chỉ biết làm ra sản phẩm rồi bán cho thương lái, chứ đâu biết làm sao mà cạnh tranh với hàng ngoại?".

Theo ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang thì tỉnh đang có định hướng tăng diện tích trồng màu, giảm diện tích trồng lúa trong vụ hè thu tại hai huyện Chợ Mới và An Phú. Tuy nhiên, với tình trạng rau, củ, quả ngoại nhập đang tấn công thị trường nội địa ào ạt như hiện nay thì đây thật sự là một thách thức rất lớn.

Rau, củ, quả ngoại nhập mà nhất là hàng Trung Quốc với giá cả thấp đã làm ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ của nông sản nội. Đáng lo ngại là trong thời gian gần đây, nhiều mặt hàng nhập ngoại lại không đảm bảo chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng. Để hạn chế những thiệt hại như vừa nêu, tỉnh chủ trương xây dựng thành những vùng chuyên canh với quy mô lớn để giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh với hàng ngoại.



Theo Thanh Nien Online
Báo cáo phân tích thị trường