Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lại nhập ồ ạt thịt đông lạnh
23 | 06 | 2010
Lượng thịt đông lạnh nhập khẩu hiện lên đến cả chục ngàn tấn/tháng. Lại xuất hiện thịt bẩn

Theo giới kinh doanh thực phẩm, sau một thời gian tạm lắng do sự cố thịt bẩn từ cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, từ đầu năm 2010, tình trạng nhập khẩu thịt đông lạnh (chủ yếu là thịt gà, thịt heo, thịt bò...) lại bùng phát. Đặc biệt khoảng vài tháng nay lượng thịt nhập khẩu tăng vọt.


Dồn dập nhập khẩu

Thống kê từ Cục Chăn nuôi cho thấy 5 tháng đầu năm lượng thịt đông lạnh (thịt gia súc, gia cầm) nhập khẩu tăng gấp ba lần so với những tháng cuối năm, trong đó chỉ tính riêng thịt heo đã lên đến 50.000 tấn.

Theo Trung tâm Thú y Vùng VI, bình thường mỗi tháng có từ 4.000 – 5.000 tấn thịt nhập khẩu đăng ký kiểm tra chất lượng nhưng trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, số lượng đã tăng lên trên 7.000 tấn/tháng.

Còn theo giới kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại TPHCM, hiện mỗi tháng có khoảng 500 container (mỗi container có trọng lượng từ 20-30 tấn) nhập về các cảng trên cả nước, trong đó chủ yếu là mặt hàng thịt gia cầm, kế đến là thịt heo, bò, cừu...

Một số đầu mối nhập khẩu thịt đông lạnh cho biết: Giá thịt nhập khẩu hiện nay rất rẻ. Giá đùi gà (sau khi tính hết các chi phí) cũng chỉ khoảng hơn 20.000 đồng/kg; nếu bán sỉ từ 22.000 đồng- 24.000 đồng/kg (rẻ hơn hàng trong nước cả chục ngàn đồng/kg) thì doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đã có lãi khá.
Thịt heo đông lạnh được bán ở chợ lề đường khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh). Ảnh: HỒNG THÚY

Thịt heo đông lạnh nhập khẩu bán sỉ cũng chỉ từ 35.000 đồng- 40.000 đồng/kg, rẻ hơn thịt heo trong nước trên dưới 50% nên sức tiêu thụ cũng rất mạnh. Nhiều người kinh doanh thịt heo tại các chợ đầu mối TPHCM cho hay: Trước đây, các DN chế biến thực phẩm từ thịt heo thường lấy thịt heo trong nước để sản xuất nhưng gần đây họ chủ yếu lấy thịt nhập khẩu vì giá rẻ...
Điều đáng lo ngại hiện nay là nguồn thịt đông lạnh về quá nhiều, trong đó không ít trường hợp DN chọn nhập hàng giá rẻ vốn là hàng cận đát. Họ chấp nhận mạo hiểm, nếu được thông quan sẽ có mức lời rất cao, ngược lại nếu bị phát hiện thì bỏ hàng cũng không thiệt hại nhiều vì chỉ ứng tiền cọc trước cho bạn hàng khoảng 20%.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Thú y Vùng VI, cũng thừa nhận mỗi tháng phát hiện từ 1- 2 container thịt đông lạnh không đạt chất lượng, thịt bị nhiễm vi sinh vượt mức cho phép, buộc phải tái xuất. Riêng mấy ngày đầu tháng 6 này cũng đã phát hiện đến 3 container thịt bị nhiễm vi sinh vượt mức cho phép...

Chạy trước quy định

Theo nhận định từ cơ quan chức năng, sở dĩ thịt đông lạnh nhập khẩu về nhiều là do thời gian qua trong nước bùng phát dịch heo tai xanh nên các DN tăng tốc nhập khẩu để thay thế nguồn hàng thiếu hụt. Tuy nhiên, thông tin từ giới kinh doanh thực phẩm: Nguyên nhân chính là do giá thịt gia súc, gia cầm trên thế giới đang giảm khá mạnh (giá thịt gà từ hơn 1.000 USD/tấn nay giảm còn khoảng 800 USD/tấn).

Nhưng nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc mới đây Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 29 về danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Theo thông tư này việc kiểm tra, kiểm soát thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu sẽ gắt gao hơn nên các nhà nhập khẩu tranh thủ “chạy” trước bằng cách nhập hàng sớm để “né” quy định này.

Áp dụng quy chuẩn quốc tế

Một cán bộ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Các quy định quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu sắp tới sẽ rất nghiêm ngặt (kiểm soát từ gốc, kiểm tra theo chuỗi tại nước sản xuất hàng đông lạnh...).
Tiêu chuẩn, quy trình thủ tục kiểm tra lần này được áp dụng từ bộ tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Hóa thực phẩm quốc tế (Codex). Cơ quan chức năng của nước xuất khẩu phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tên cơ sở sản xuất, kinh doanh để kiểm tra thẩm định nếu đáp ứng được các điều kiện thì mới được phép xuất hàng sang Việt Nam.
Các lô hàng nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Hàng nhập phải từ cơ sở (nước xuất khẩu) được cơ quan chức năng của Việt Nam công nhận...


Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường