Việt Nam hiện đang là một trong những nước có giá trị XK thủy sản hàng đầu thế giới, tuy nhiên tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất chế biến vẫn luôn xảy ra, đặc biệt là nguyên liệu thủy sản khai thác trong đó có cá ngừ, nhuyễn thể...
Cá ngừ là một trong những mặt hàng hải sản XK chủ lực của Việt Nam, hiện chiếm tới 7,4% trong tổng giá trị XK thủy sản của cả nước, cũng đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do những bất ổn diễn ra trên Biển Đông trong thời gian gần đây phần nào đã hạn chế số lượng tàu cá ra khơi khai thác hải sản, dẫn đến sản lượng khai thác cá ngừ bị ảnh hưởng khá nhiều vì đây là một đối tượng khai thác chủ yếu.
Cộng thêm với những chi phí cho chuyến biển như xăng dầu, thực phẩm, vật tư …cũng ngày một tăng nên số tàu thuyền ”nằm bờ” cũng tăng lên, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác và đời sống kinh tế của ngư dân nhiều địa phương. Không chỉ riêng các DN XK tôm và cá tra phải “đau đầu” với việc giải bài toán nguyên liệu mà nhiều DN XK cá ngừ trong cả nước cũng đang ở tình trạng tương tự. Nguồn nguyên liệu nội địa khan hiếm trong khi nhu cầu để đáp ứng cho các nhà máy chế biến XK ngày một tăng do yêu cầu NK cá ngừ tại các thị trường tăng lên nên không còn cách nào khác, phần lớn DN đều phải tìm đến nguồn nguyên liệu NK từ nước ngoài để một phần đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy và giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động…
Đối với các DN XK thủy sản trong cả nước nói chung và XK cá ngừ nói riêng, việc NK nguyên liệu từ bên ngoài về chế biến XK cũng gặp khá nhiều rắc rối. Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời kiến nghị được nêu tại công văn số 08/2011/VASEP-VPĐD ngày 29/3/2011 của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) về các giải pháp cho thủ tục NK nguyên liệu thủy sản phục vụ sản xuất XK. Tại công văn này, Bộ Tài chính đã đồng ý với phần lớn kiến nghị của VASEP nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục NK nguyên liệu, tạo thuận lợi hơn cho các DN thủy sản đang NK nguyên liệu để sản xuất và XK, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay khi họ đang phải “vật lộn” với bài toán thiếu nguyên liệu từ trong nước.
Mức thuế suất NK hiện đang ở mức khá cao, dao động từ 12 - 18% cũng là một trở ngại lớn đối với các DN XK cá ngừ trong cả nước. Với mức thuế suất này, DN sẽ bị treo nợ thuế với số tiền rất lớn cũng như thêm nhiều phiền toái trong thủ tục hải quan, đặc biệt là thủ tục thanh lý thuế và hoàn thuế, đã hạn chế việc DN NK nguyên liệu để chế biến XK mặc dù nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước hiện vẫn thiếu trầm trọng, không đáp ứng đủ cho ngành công nghiệp chế biến XK. Việc chịu mức thuế cao như vậy cũng sẽ làm giảm sức cạnh tranh hàng XK trên thị trường thế giới khi mà một số “đối thủ” cạnh tranh của chúng ta về XK cá ngừ như Philippin, Đài Loan, Thái Lan,… đều NK rất nhiều nguyên liệu thủy sản với mức thuế thấp từ 0 - 0,5%, trong khi mức thuế NK ở nước ta khá cao.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2011, cả nước đã XK 50,5 nghìn tấn cá ngừ sang 81 thị trường trên thế giới, trị giá đạt gần 232 triệu USD, tăng 28,3% về giá trị nhưng chỉ tăng 3,5% về khối lượng. Trong đó, sản phẩm cá ngừ nguyên liệu (mã HS 03) chiếm tới 66,2% trong tổng giá trị XK cá ngừ trong cả nước, đạt gần 26 nghìn tấn, trị giá 153,5 triệu USD, tăng 17,9% về khối lượng và 33,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010; sản phẩm cá ngừ chế biến (mã HS 16) giảm tới 8,4% về khối lượng nhưng lại tăng gần 20% về giá trị. Mức tăng trưởng giá trị mạnh gấp nhiều lần so với mức tăng trưởng khối lượng cho thấy giá trung bình XK cá ngừ nhìn chung sang các thị trường vẫn đạt khá và có xu hướng tiếp tục tăng.
Trong tháng 7/2011, khối lượng cá ngừ XK đạt 5,7 nghìn tấn - giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (27,1%), trong khi giá trị XK chỉ tăng nhẹ khoảng 0,7%. Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng XK cá ngừ đã chậm lại và khối lượng XK cá ngừ sang các thị trường đều có xu hướng giảm do nguồn nguyên liệu chế biến bị hạn chế. Cụ thể: Mỹ là bạn hàng lớn và quan trọng của cá ngừ Việt Nam, luôn dẫn đầu về giá trị NK, chiếm tới 50% tổng giá trị XK cá ngừ của cả nước.
Trong tháng 7/2011, khối lượng cá ngừ XK sang thị trường này cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và so với tháng 6, trong khi giá trị XK tăng trưởng không đáng kể. Ngoài ra, trong số 10 thị trường đứng đầu NK cá ngừ từ Việt Nam, Canađa và Thụy Sĩ cũng là hai thị trường có khối lượng NK cá ngừ giảm mạnh đáng kể, lần lượt là 40,4% và 22,4%, song giá trị chỉ tăng nhẹ, tương ứng 9% và 7,8% so với cùng kỳ năm 2010.
Trước những khó khăn hiện nay, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để ngư dân yên tâm ra khơi khai thác hải sản, tăng cường đầu tư thêm nhiều tàu thuyền có công suất lớn và thiết bị hiện đại để việc bảo quản nguyên liệu sau khai thác đảm bảo được chất lượng đạt tiêu chuẩn chế biến XK, giúp tăng sản lượng khai thác, phục vụ đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến XK, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên liệu kéo dài trong thời gian qua.
Theo Vasep