Con số này được ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình hoạt động của ngành công nghiệp và thương mại tháng 10, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 7/11.
Tuy nhiên, ông Bảy cũng cho biết thêm, lượng xuất khẩu này chỉ là định hướng, còn lượng xuất khẩu thực tế có thể cao hơn, nếu lượng gạo hàng hóa vào thời điểm cuối năm vẫn ở mức cao.
Theo đó, VFA yêu cầu các doanh nghiệp ngay từ thời điểm này đã phải lên kế hoạch ký trước hợp đồng sẽ thực hiện trong những tháng đầu năm 2012 ở mức khoảng 600 - 800 nghìn tấn; đảm bảo lượng gạo tồn kho chuyển sang năm sau ở mức từ 1 - 1,2 triệu tấn.
Về phía người nông dân, VFA khuyến cáo nên xuống giống sớm để thu hoạch sớm, tận dụng thời điểm thị trường giá tốt.
10 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,05 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và 24% về trị giá. Trong số này, hợp đồng tập trung chiếm 45%, còn hợp đồng thương mại là 55%.
Từ đầu năm đến nay, giá thu mua lúa bình quân là 6.280 đồng/kg. Đây là mức giá được xem là rất có lợi cho người nông dân.
VFA dự báo, đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục ổn định. Theo đó, cả năm 2011, Việt Nam sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, kim ngạch thu về khoảng 3,5 tỷ USD.
Song về dài hạn thì đơn vị này không đưa ra dự báo về giá, vì trên thị trường thế giới, gạo 5% tấm của Thái Lan đang được chào bán với giá 585 - 595 USD/tấn, còn gạo 5% tấm của Việt Nam được chào với giá 570 - 575 USD/tấn. Trong khi gạo của Ấn Độ chỉ bán với giá 450 - 470 USD/tấn. Mức giá này của Ấn Độ đang rất thu hút đối với thị trường châu Phi.
Bên cạnh đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của lũ lụt, nhưng tại Thái Lan, lượng gạo dự trữ của Chính phủ và các doanh nghiệp vẫn lên tới 5 triệu tấn.
Trước tình hình này, VFA đề nghị Bộ Công Thương cần sớm xúc tiến để ký hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung đối với Indonesia trong năm 2012, cũng như chỉ đạo đầu mối thực hiện hợp đồng đối với thị trường Malaysia thời gian tới.
Theo VnEconomy