Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo đồ Việt Nam đang phát triển
05 | 12 | 2011
Gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn chế biến khác như xay, xát, đánh bóng. Tại một số quốc gia, xu hướng sử dụng gạo đồ thay cho gạo trắng đang tăng lên, đặc biệt là ở các vùng dân cư có thu nhập cao.
Giá gạo đồ Việt Nam bán ra bình quân cao hơn loại gạo 5% tấm từ 50-60 USD/tấn. Ông Nguyễn Ngọc Trung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Vinh Phát cho biết, mỗi năm công ty đã xuất khẩu khoảng 20 đến 30 nghìn tấn gạo đồ. Riêng năm 2011, công ty đã tăng sản lượng xuất khẩu lên khoảng 42.000 tấn/năm.
Giá xuất bình quân 570 USD/tấn, thị trường là Nigeria, Trung Đông, Nga và các nước châu Phi. Công suất chế biến của nhà máy khoảng 90.000 tấn/năm, nhưng hiện công ty chỉ mới xuất khẩu 1/2 công suất chế biến của nhà máy.
Giá gạo đồ hiện đang ở mức tương đối cao so với gạo trắng, do vậy năm 2012, Vinh Phát có kế hoạch tăng sản lượng xuất khẩu lên 60 nghìn tấn, nếu thị trường thuận lợi sẽ nâng lên 90.000 tấn.
Mặc dù xuất khẩu gạo đồ có mức giá hấp dẫn và cho lợi nhuận cao, lại giải quyết được lúa ướt vụ hè thu cho bà con nông dân, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. “Sở dĩ lâu nay chúng ta chưa mạnh dạn vì xây dựng nhà máy gạo đồ đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn các nhà máy thường. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề, mà cái chính là làm sao chen chân vào thị trường gạo đồ, vì đây là thị trường hẹp, phải rất cố gắng mới mong chiếm được thị phần”, một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nói.
Từ đầu năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tham gia thị trường gạo đồ thế giới. Ngoài các nhà máy đang hoạt động, hiện Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đang đầu tư xây dựng thêm 3 nhà máy sản xuất gạo đồ tại 3 tỉnh khác nhau ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khi 3 nhà máy này đi vào hoạt động, Vinafood 2 dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 300 nghìn tấn/năm.
Đại diện một doanh nghiệp khác thì đánh giá, mặc dù chất lượng gạo đồ Việt Nam chưa bằng gạo đồ Thái Lan, nhưng lại hơn Pakistan và Ấn Độ, nên có thể cạnh tranh tốt với họ.
Vấn đề còn lại là tùy thuộc vào khả năng của các doanh nghiệp, liệu họ có thể giành được thị trường gạo đồ từ tay của các doanh nghiệp các nước đã có thị phần ổn định trên thị trường thế giới, nhất là đối với các doanh nghiệp Thái Lan?
“Năm 2012, Việt Nam dự kiến xuất khoảng 400 nghìn tấn gạo đồ, mặt hàng mà chúng ta đang có hướng đẩy mạnh xuất khẩu”.
“Sản xuất gạo đồ phải dùng lúa tươi, như vậy vừa giải quyết được vấn nạn lúa ướt trong vụ hè-thu cho bà con nông dân vừa nâng cao được giá trị hạt gạo. Giá gạo đồ xuất khẩu tốt hơn cả loại gạo 5% tấm”, Đó là thông điệp của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường