Cụ thể, về quy hoạch, trên cơ sở định hướng sản phẩm để xác định vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến (theo tỷ lệ 80% sản phẩm chè xanh, 20% sản phẩm chè đen), Thái Nguyên đã xây dựng quy hoạch cụ thể diện tích chè xanh, chè đen.
Trong đó diện tích chè xanh chủ yếu tập trung tại vùng sản xuất chè của TP. Thái Nguyên và một số vùng sản xuất chè thuộc huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Thị xã Sông Công. Đối với chè đen tập trung tại huyện Định Hoá, Võ Nhai và một số vùng sản xuất chè thuộc huyện Đại Từ, Đồng Hỷ.
Với tổng diện tích 18.600ha chè, sản lượng gần 185 nghìn tấn búp tươi/năm, Thái Nguyên đang là tỉnh đứng thứ hai cả nước về diện tích và sản lượng chè. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Tỉnh Thái Nguyên cũng triển khai xây dựng điều kiện sản xuất chè an toàn cho các vùng sản xuất chè của tỉnh. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ người trồng chè trong quá trình triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, sử dụng công nghệ cao trong các khâu tưới nước, bón phân và thu hái nhằm tạo ra sản phẩm chè an toàn, chất lượng cao; chỉ đạo áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), IPM để 100% nguyên liệu chè búp tươi là chè an toàn thực phẩm...
Việc lựa chọn nhà máy chế biến chè sẽ sẽ căn cứ vào dự báo khả năng đáp ứng nguyên liệu và sự hình thành các vùng nguyên liệu. Các công nghệ, thiết bị chế biến cũng sẽ phải lựa chọn phù hợp với từng loại chè. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm sau chè có hiệu quả cao như: Nước chè đóng chai, dược liệu chè… Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2020 có 50% các doanh nghiệp phải áp dụng có hiệu quả các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ISO-HACCP.