Những hộ tham gia dự án đều được đầu tư giống ghép chọn lọc có những ưu điểm vượt trội, công ghép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật. Qua triển khai, hiện vườn điều ghép của các hộ đã cho năng suất, chất lượng tốt (sai trái, hạt to, trắng, mẩy). Theo các hộ nông dân, sau khi cải tạo, vườn điều sẽ đạt năng suất trên 3tấn/ha.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp Hội điều Việt Nam cho biết, trong tương lai các vườn điều thực hiện thí điểm sẽ là nơi cung cấp chồi ghép và mắt ghép ra thị trường phục vụ trong việc cải tạo vườn điều quy mô lớn trong những năm tới. Với phương pháp ghép cải tạo vườn điều, người nông dân không phải chặt bỏ vườn điều hiện hữu mà có thể ghép ngay trên cây. Thời gian cho trái nhanh hơn so với trồng mới, năng suất đạt khá cao. “Với cách ghép này người nông dân có thể tự làm sau khi được tập huấn chuyển giao kỹ thuật ghép. Đây là mô hình cần nhân rộng để đưa ngành điều phát triển bền vững” - ông Thanh nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Nga - Phó chủ tịch Hiệp Hội điều Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho biết, mặc dù dự án ghép cải tạo vườn điều đã bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án còn gặp một số khó khăn. Đó là nhiều hộ chưa nhận thức được hiệu quả lâu dài của mô hình vì sợ mất năng suất trước mắt hoặc tốn chi phí đầu tư. Phần lớn diện tích trồng điều tập trung ở các hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số nên tập quán trồng điều còn lạc hậu. Nhiều hộ trồng quá dày, sử dụng giống không tốt, tỷ lệ hoa lưỡng tính thấp, thoái hóa giống, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế…
Để khắc phục khó khăn, trong năm 2015, Hiệp Hội điều Việt Nam tiếp tục hướng dẫn các hộ làm chưa tốt về kỹ thuật chăm sóc, cải tạo vườn điều, các phương pháp bảo quản sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nhân rộng mô hình ra nông dân. Mặt khác, giới thiệu những nông dân trồng điều tiêu biểu để các cấp, ngành tuyên dương khen thưởng cho người dân học tập kinh nghiệm. Đặc biệt trong năm 2015, Hiệp Hội tổ chức mở rộng thêm 200 mô hình, trong đó có khoảng 100 mô hình giành cho Bình Phước và ưu tiên cho huyện Bù Gia Mập khoảng 50 mô hình. Bởi đây là huyện khó khăn và có diện tích trồng điều lớn (trên 41.000 ha)
Các nông dân trồng điều giỏi nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bình Phước
Từ cách làm cho hiệu quả cao, vừa qua UBND tỉnh Bình Phước cũng đã trao Bằng khen cho 5 nông dân trồng điều giỏi trên địa bàn tỉnh.