Nguồn: vnexpress.net
Đến nay, ông lớn ngành sữa đã có hơn 26 năm đưa sản phẩm ra nước ngoài, tổng kim ngạch lũy kế đạt hơn 3,3 tỷ USD, với hơn 300 mã sản phẩm thuộc các ngành hàng sữa đặc, sữa bột, sữa chua. Đơn vị liên tiếp gia tăng thị trường xuất khẩu, sản phẩm đa dạng, đạt nhiều tiêu chuẩn của thế giới, khẳng định sữa "made in Vietnam" có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Theo doanh nghiệp, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh quốc tế là kết quả của quá trình xúc tiến thương mại, tăng hiện diện thương hiệu, tìm kiếm cơ hội và phát triển nhóm khách mới.
Nói rõ hơn về chiến lược này, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho biết, tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế là hoạt động thường kỳ. Tại đây, doanh nghiệp tập trung giới thiệu với các đối tác về sản phẩm, dịch vụ.
"Nhiều đối tác bất ngờ khi biết Việt Nam có thể làm được các sản phẩm sữa với hàng loạt các tiêu chuẩn cao, thơm ngon và giá lại rất cạnh tranh", ông Hiếu nói.
Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk (phải), giới thiệu với đối tác sản phẩm Vinamilk tại một sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế. Ảnh: vnexpress.net
Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, trong danh sách 61 thị trường xuất khẩu của Vinamilk, xuất hiện nhiều cái tên mới đến từ khu vực châu Đại dương, Nam Mỹ hay châu Phi. Bên cạnh thị trường mới, các đối tác chiến lược, hợp tác lâu năm được doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu. Đơn cử như tại Trung Đông, nơi có các đối tác đã làm việc với Vinamilk 10-20 năm.
Từ một sản phẩm xuất khẩu đầu tiên là sữa bột trẻ em Dielac, đến nay Vinamilk đã phát triển gần 400 loại sản phẩm ra thị trường quốc tế. Mới đây, đơn vị đã xuất khẩu sữa chua ăn sang thị trường Mỹ, ngay sau khi đạt được chứng nhận của FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) cho sản phẩm này.
Trong hoạt động xuất khẩu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm luôn là hàng rào lớn nhất với mọi thị trường, nhất là với các sản phẩm thực phẩm, đồ uống. Nhiều quốc gia lại có các hệ tiêu chuẩn đặc thù, đây cũng là rào cản mà các doanh nghiệp cần phải vượt qua.
Lợi thế để "mở khóa" thị trường của Vinamilk là hệ thống 13 nhà máy đạt các tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ xuất khẩu. Một số tiêu chuẩn nổi bật như: FSSC 22000 (Chứng nhận Hệ thống Quản lý an toàn thực phẩm quốc tế - Hà Lan), BRC (Tiêu chuẩn Anh), Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SMETA, FDA (Mỹ), Tiêu chuẩn cho các quốc gia Hồi giáo HALAL, Organic EU (Tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu), GMP (hệ thống các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt của Mỹ).
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất khẩu. Ảnh: vnexpress.net
Ông Mai Bá Dũng, Giám đốc nhà máy Sữa Sài Gòn (Vinamilk) cho biết, nơi đây sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đi những thị trường "khó tính" là Australia và New Zealand. Nhà máy đáp ứng 683 triệu sản phẩm lạnh phục vụ xuất khẩu mỗi năm, quy trình kiểm soát gồm hơn 9 tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
"Với đặc thù là nhà máy sản xuất sản phẩm lạnh, chúng tôi đầu tư từ khâu tiếp nhận nguyên liệu, chế biến, đến hệ thống các kho lạnh thông minh, cảm ứng nhiệt độ... Các yếu tố này đảm bảo điều kiện bảo quản, giúp sản phẩm có chất lượng tốt nhất", ông Dũng nói.
Ông Inam Ahmad Zia Ahmad, đối tác của Vinamilk tại khu vực Trung Đông, cho biết "ấn tượng" khi đến thăm nhà máy sản xuất sữa bột trẻ em của Vinamilk. Ông nhận xét quy trình khép kín, từ đầu vào đến đầu ra đều được áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và tự động hóa. Ông cũng đánh giá cao các loại bao bì thân thiện với môi trường của Vinamilk. Các vỏ hộp sữa thường được người tiêu dùng tái sử dụng rất nhiều tại thị trường Trung Đông.
Các đối tác nhập khẩu tham quan Nhà máy sữa bột Việt Nam của Vinamilk. Ảnh: vnexpress.net
Xu hướng phát triển bền vững đang trở thành tâm điểm chú ý của thương mại thế giới. Tại Australia, New Zealand, nhờ đáp ứng các yêu cầu về bao bì thân thiện môi trường, Vinamilk đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các siêu thị quốc tế lớn nhất tại đây như Costco, Woolworths, Foodstuff. Tại hai thị trường này, năm nay doanh nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết cũng hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Vinamilk. Theo đại diện doanh nghiệp cho biết, hiện tỷ lệ thực hiện cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O để được ưu đãi thuế đạt trên 53%, cao hơn mức trung bình là 37,35%, theo số liệu tổng kết của Bộ Công thương.
Một ví dụ về việc tận dụng FTA hiệu quả được doanh nghiệp chia sẻ là thị trường Nhật Bản và Canada, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cụ thể, doanh thu của doanh nghiệp tại hai thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng khoảng 40% so với giai đoạn cùng kỳ 2023.
Sản phẩm sữa chua uống không dùng ống hút và bao bì dễ tái chế của Vinamilk xuất khẩu đến thị trường khu vực châu Đại Dương. Ảnh: vnexpress.net
Ông Hiếu cho biết thêm, để khai thác thị trường có FTA, cần phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Kèm theo đó là sự thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, dây chuyền để đáp ứng các yêu cầu liên quan. Theo kế hoạch, Vinamilk cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các thị trường mới, có nhiều tiềm năng như châu Phi và Nam Mỹ...