Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần có giải pháp đồng bộ để phát triển cá tra xuất khẩu bền vững
08 | 03 | 2008
Ngành cá nước ngọt Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức về môi trường bị ô nhiễm, giá nguyên liệu đầu vào còn cao, sự thoái hóa dần đàn cá bố mẹ và sự kiểm soát hết sức gắt gao của các nước nhập khẩu.
Dấu hiệu thiếu bền vững

Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt Việt Nam cho biết, hiện nay cá tra, basa là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất về sản lượng và lớn thứ hai về giá trị (sau con tôm) của ngành thủy sản.

Năm 2008, ngành phấn đấu xuất khẩu mặt hàng cá tra, basa với sản lượng 1,2 triệu tấn, giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2007.

Trong những năm gần đây, tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa ở các tỉnh ĐBSCL đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Cùng với thành tựu đó, cũng đã bộc lộ dấu hiệu của sự thiếu bền vững.

Sự tăng vọt diện tích nuôi cá tra cũng như đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản phát triển là quá nóng, đã làm mất cân đối về cung cầu trong việc cung cấp nguyên liệu cho chế biến và ô nhiễm môi trường có dấu hiệu vượt ngưỡng cho phép dẫn tới nhiều ao nuôi cá chết hàng loạt do một số bệnh mới xuất hiện.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga ngày càng có nhiều phàn nàn về chất lượng sản phẩm không đảm bảo, không đủ khối lượng tịnh, thậm chí còn sử dụng chất phụ gia vượt mức cho phép, dẫn tới các nhà nhập khẩu và khách hàng nghi ngờ gian lận khối lượng sản phẩm.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại mà cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước còn phải đương đầu và cần phấn đấu vượt qua trong thời gian tới.

Cần giải pháp đồng bộ

Để phát triển cá tra xuất khẩu bền vững, giảm tối đa các rủi ro trong quá trình sản xuất nguyên liệu và chế biến tiêu thụ cá tra xuất khẩu, đặc biệt là hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng tới đây phải có chủ trương thống nhất trong quản lý nhà nước, cũng như quản lý sản xuất – kinh doanh.

Trong đó cần chú ý nâng cao chất lượng con giống đạt tiêu chuẩn khỏe, sạch bệnh; nghiên cứu lai tạo, hoặc đánh bắt trong tự nhiên đàn cá bố mẹ chất lượng tốt để nuôi dưỡng, bảo tồn và cung cấp cho các trại giống sinh sản nhân tạo. Đồng thời phải quy hoạch vùng nuôi cá tra, basa nhằm đảm bảo môi trường và tránh hiện tượng phát triển tự phát, chạy theo phong trào dẫn tới không kiểm soát được.

Đây chính là nguyên nhân của sự phát triển thiếu bền vững cần phải khắc phục trong thời gian tới. Về quy hoạch vùng nuôi an toàn, các tỉnh phải sớm tổ chức điều tra rà soát quy hoạch đã có và hiện trạng nuôi cá hiện nay, đồng thời căn cứ vào tình hình môi trường, điều kiện đất đai, diện tích mặt nước, điều kiện nuôi cá sạch – an toàn, quy chế quản lý vùng nuôi để tiến hành thực hiện quy hoạch.

Việc quy hoạch phải hoàn thành sớm để ngăn chặn tình trạng phát triển quá nóng như hiện nay, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và có thể đi đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về thị trường tiêu thụ cũng như nguy cơ thua lỗ nặng của một số doanh nghiệp chế biến cá nhỏ và vừa; đồng thời phải tiến hành điều tra, thống kê lại các nhà máy chế biến cá hiện đang hoạt động để từ đó rà soát lại quy hoạch xây dựng hệ thống các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của từng tỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần nghiên cứu mô hình Liên hiệp sản xuất cá sạch của Agifish An Giang (APPU) đã có những thành công khá lớn trong việc liên kết giữa người nuôi và người chế biến để đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn.



Nguồn: Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường