Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để người nông dân không bị lẻ loi, tụt hạng...
09 | 07 | 2008
Agroinfo - Hiện nay người nông dân nếu không cảm thấy bị gạt ra bên lề của tiến trình hội nhập, toàn cầu hoá thì cũng cảm thấy bất an về mặt tinh thần, phân vân về mặt tình cảm và thật sự đã bị tụt hạng so với các thành phần lao động phi nông nghiệp khác hiện đang có việc làm cho dù chưa phải là thật sự ổn định.
Từ tuyên ngôn cho tới thực tế

Tuyên ngôn: Cách mạng giải phóng dân tộc đồng thời với cách mạng ruộng đất của Đảng Cộng sản từ những ngày đầu thành lập và quá trình chia cấp ruộng đất trong hai cuộc kháng chiến là động lực thật sự góp phần thúc đẩy cách mạng thành công.

Nhưng khi có chính quyền, nhất là từ sau 1975 thống nhất đất nước, tiến hành hợp tác hoá ồ ạt với tuyên ngôn: “Đất đai là sở hữu toàn dân”, hệ quả như ta đã thấy trong 10 năm trước đổi mới.

Khi người nông dân hiểu ngầm rằng “quyền sử dụng” là anh em với “quyền sở hữu” đất và chính sách “hạn điền” là những khái niệm pháp lý có tính chất mơ hồ và quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo về tranh chấp đất đai vừa qua và hiện nay thiếu nhất quán, minh bạch và công bằng đã tạo ra tâm lý bất an trong nhân dân, nhất là nông dân.

Bài viết này chủ yếu đề cập đến vấn đề “tam nông” ở tỉnh An Giang là tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất nước và xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm.

Đồng thời có tham chiếu toàn vùng ĐBSCL, vùng đất phì nhiêu, sản xuất nông nghiệp và là vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng nhiều chỉ tiêu về giáo dục, chất lượng sống và cơ sở hạ tầng thuộc loại thấp nhất nước.



Bức tranh tam nông hiện nay ở ĐBSCL


Để tiến hành cuộc cánh mạng công nghiệp, Đảng và Nhà nước ta chưa chuẩn bị đủ điều kiện hay giải quyết được những bất cập cho người nông dân.

Đó là vấn đề dân trí và dạy nghề mà ngành giáo dục quốc gia phải thực thi cho có hiệu quả để tạo ra lực lượng lao động công nghiệp, dịch vụ và nghiên cứu khoa học.

Là khái niệm “hạn điền” đang kiềm hãm quá trình sản xuất lớn hay nói đúng hơn là quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn; là chủ trương xây dựng nông thôn mới chỉ mới dừng lại ở khái niệm chung chung.

Sự “ban phát” đầu tư cũng như công tác cứu trợ lúc thiên tai, thiếu đói và thực chất thành quả xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn vừa qua cũng chủ yếu là theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” mà không ít nơi, không ít công trình thực chất là chỉ có nông dân.

Là vấn đề phân chia lợi ích từ sản phẩm hàng hoá của người nông dân không công bằng, thiếu minh bạch trong đó các DN kinh doanh lương thực, nông sản và dịch vụ nông nghiệp là người thu lợi trước và nhiều, rất nhiều hơn người nông dân v.v…

Từ những vấn đề và bất cập vừa nêu, hệ quả tất yếu hiện nay là người nông dân nếu không cảm thấy bị gạt ra bên lề của tiến trình hội nhập và toàn cầu hoá thì cũng cảm thấy bất an về mặt tinh thần, phân vân về mặt tình cảm và thật sự đã bị tụt hạng so với các thành phần lao động khác phi nông nghiệp hiện đang có việc làm cho dù chưa phải là thật sự ổn định.

Nguy cơ tụt hạng, lẻ loi của người nông dân

Khái quát lại bức tranh “tam nông” hiện nay ở ĐBSCL là: Sản xuất nông nghiệp hàng hoá khá dồi dào và phong phú nhưng kém tính cạnh tranh do năng suất, chất lượng không cao và không có thương hiệu.

Hơn phân nửa người chủ đất chỉ có 5-7 ngàn mét vuông đất nông nghiệp và một đội ngũ lao động trẻ hùng hậu trên dưới 30 tuổi đời mà trình độ họ vấn không tới đâu, không có tay nghề đang thật sự bị tụt hạng từng ngày.

Cho dù có một bộ phận trong họ có cố gắng, đi lao động ở các khu công nghiệp nhưng cũng chủ bán sức lao động bằng cơ bắp, thu nhập không hơn gì ở nông thôn đi cắt lúa mướn.

Đó là nạn hàng gian, hàng giả và những “mặt trái của kinh tế nhị trường”, ô nhiễm công nghiệp, gây thiệt hại vật chất và tình cảnh nông dân cảm thấy bị lẻ loi không được luật pháp và chính quyền bảo vệ, cùng với một nền hành chính nặng tính chính trị mà thiếu tính chuyên nghiệp và tính hệ thống nhất, nặng phân cấp đã tạo ra nhiều kẽ hở mà không ít nơi ở cấp địa phương, nhất là cấp xã vấn đề pháp luật và dân chủ là tuỳ vào một số người hành xử như “ban phát” hoặc “từ đâm”.

Và, trước viễn cảnh 5,3 thập kỷ tới nước biển dâng sẽ xoá vùng ĐBSCL trên bản đồ lục địa của Tổ quốc mà người nông dân chưa cảm nhận được v.v… Chúng ta có hơn 30 năm cầm quyền cả nước, hơn 20 năm đổi mới, những vấn đề trên đáng lý ra chúng ta có đủ thời gian giải quyết trong 10 đến 15 năm là cùng. Bởi các quốc gia đi trước, thành công trong quá trình công nghiệp hoá cũng chỉ có chừng ấy thời gian chuẩn bị để cất cánh.

Bởi bản chất vấn đề nông nghiệp, nông dân,, nông thôn là khoa học và cách mạng, nhưng rất tiếc là trong chiến lược, chính sách và luật pháp vừa qua của chúng ta đối với vấn đề “tam nông” còn nhẹ tính khoa học mà càng hội nhập và toàn cầu hoá thì tính khoa học của nó phải được nghiên cứu và giải quyết phải đúng mức hơn.

Nước Pháp cuối thế kỷ 18 là nước đầu tiên tuyên bố thực thi người cày có ruộng nhưng nông nghiệp nước Pháp hiện nay vẫn chưa phải là nước có sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh nhất thế giới.

Từ những năm 60 của thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 này, nhiều quốc gia sau khi giành độc lập đã từng xem nông dân là lực lượng của mình, cải cách nông nghiệp là ưu tiên số một nhưng sự thành công thì cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn chúng ta không thể “đi tắt đón đầu” thành công với trình độ dân trí và đội ngũ lao động như hiện nay.

Người viết không dám làm bài giải cho bài toán “tam nông” hiện nay, nhưng thiết nghĩ nó cũng đã được tự giải phần nào - rất cơ bản, từ những vấn đề bất cập đã đề cập ở trên.

Thời gian cho chúng ta hành động không còn nhiều, nên phải bắt tay làm ngay, trước hết là về xây dựng chiến lược, chính sách vĩ mô và luật pháp quốc gia.

Việc này có thể là 1 hoặc 2 năm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn (kể cả quốc lộ ở vùng Nam bộ) và bảo vệ môi trường, việc này có thể trên dưới 5 năm; chuyển nền giáo dục có tính “bác học” sang có tính “thực dụng” hơn, việc này có thể trên dưới 10 năm.

Và trong 20 năm phải hoàn thành những công trình để đồng bằng sông Cửu Long không bị chìm trong nước biển. Với cách làm việc như ta hiện nay thì quỹ thời gian cho từng công việc là quá hạn hẹp.

Nguyễn Minh Nhị (Nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang)
(Bài tham luận tại Hội thảo: "Người dân Nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá")


Báo cáo phân tích thị trường